Nhớ những hàng cây ngân hạnh trên đường phố Seoul
Nhờ một chuyến công tác Hàn Quốc vào mùa thu, nên tôi may mắn được tận mắt
chứng kiến vẻ đẹp huyền ảo của
Seoul
mùa cây thay lá. Sau này, khi đã rời Hàn Quốc, điều làm tôi nhớ nhất là những
con đường với những hàng cây ngân hạnh thơ mộng của
Seoul.
Hàn Quốc có bốn mùa xuân hạ thu đông rõ rêt, mùa nào cũng đẹp, nhưng đẹp
nhất là mùa thu. Vào mùa này, thời tiết bắt đầu se lạnh, bầu trời xanh ngắt,
không khí trong lành, thoáng đãng, khiến tâm trạng con người thư thái, nhẹ
nhõm. Do thời tiết bắt đầu chuyển lạnh nên lá của một số loài cây đổi màu từ
xanh sang vàng, hoặc đỏ, tạo ra cho đất nước này một cảnh quan tuyệt đẹp.
Tôi vẫn còn nhớ mình đã ngạc nhiên như thế nào khi nhìn thấy hai hàng cây
ngân hạnh và phong lá đỏ trên con đường Deoksugung-gil gần cung điện
Deoksugung. Buổi chiều hôm ấy, trong cái nắng vàng hoe của chiều thu chớm lạnh,
tôi thấy hai hàng cây ngân hạnh và phong lá đỏ bên bức tường đá bao quanh cung
điện Deoksugung như sáng bừng lên. Đó thực sự là một quang cảnh ngoạn mục và
huy hoàng nhất mà tôi được thấy trong đời.
Những hàng cây ngân hạnh ở
Seoul
dường như đã tạo nên hồn cốt thành phố này. Vẻ đẹp của chúng thật đặc biệt.
Ngân hạnh có mặt ở khắp nơi trong thành phố. Ngoài con đường bao quanh cung
điện Deoksugung, tại rất nhiều đại lộ và cả những dãy phố nhỏ trong thành phố
người ta cũng trồng loài cây này. Cả con đường ven sườn núi Nam San cũng có
nhiều cây ngân hạnh. Từ dưới chân núi nhìn lên tôi thấy, lác đác trong mảng màu
xanh thẫm của rừng thông là các mảng màu vàng tươi của những hàng cây ngân hạnh
và màu đỏ rực của những cây phong, nom chẳng khác gì một bức tranh màu nước.
Tại một số nước Á Đông, ngân hạnh được coi là loại cây linh thiêng. Người
xưa thường trồng ngân hạnh trong khuôn viên các đền chùa. Thành phố
Tokyo của Nhật Bản còn
lấy lá ngân hạnh làm biểu tượng chính thức, tượng trưng cho hòa bình và thịnh
vượng. Tại Seoul, tuy ngân hạnh chưa được coi là biểu tượng của thành phố,
nhưng tôi thấy nó gần như là linh hồn của thủ đô Hàn Quốc. Bởi vì, nếu thiếu
những hàng cây ngân hạnh,
Seoul
sẽ trở nên đơn điệu hơn và chắc chắn sẽ mất đi rất nhiều nét quyến rũ.
Sở dĩ cây ngân hạnh có nhiều ở Seoul vì 43 năm trước, năm 1971, chính quyền
Hàn Quốc đã quyết định chọn ngân hạnh làm loài cây chính của thành phố này. Có
những thời điểm ngân hạnh chiếm tới 47 phần trăm số lượng cây trồng mới. Hiện
tỷ lệ trồng cây ngân hạnh tuy đã giảm một phần để đa dạng hóa cây xanh trong
thành phố, nhưng vẫn chiếm hơn 40 phần trăm. Với tỷ lệ cao như vậy nên người ta
thấy ngân hạnh có mặt khắp nơi, tạo ra tông màu chủ đạo của
Seoul mỗi độ thu về. Tôi đã từng đọc một bài
báo viết về cây ngân hạnh ở Seoul, trong đó tác giả dẫn lời ông Yoo Ji Yong,
một quan chức phụ trách vấn đề cây xanh của chính quyền thành phố nói rằng,
trong số khoảng 284.000 cây xanh trên đường phố Seoul có tới 28.500 cây ngân
hạnh.
Không chỉ tỏa bóng mát và tạo cho Seoul một vẻ đẹp lãng mạn lúc thu về,
khiến nhiều du khách mê mẩn, cây ngân hạnh, cùng với cây phong lá đỏ, còn làm
nền cho nhiều bộ phim trữ tình Hàn Quốc. Tôi vẫn còn nhớ một bộ phim nhựa nhan
đề “Giáng sinh tháng tám” mà tôi được xem cách đây vài năm. Đó là một câu
chuyện tình buồn. Rất nhiều khán giả đã rơi nước mắt khi xem bộ phim này. Khi
đến Hàn Quốc, nhìn thấy những hàng cây lá vàng, tôi bỗng nhớ đến cảnh hai nhân
vật chính chở nhau trên chiếc mô tô, tại con đường hai bên có nhiều cây ngân
hạnh.
Những hàng cây ngân hạnh đứng một mình trên phố đã rất đẹp rồi. Thế nhưng
nếu nó được trồng xen kẽ với những cây phong lá đỏ thì cảnh quan còn đẹp gấp
bội phần. Tôi đã chứng kiến điều kỳ diệu này khi đi trên con đường huyền thoại
ven bức tường thành cung điện Deoksugung vào mùa thu. Bên tông nền xám thâm
trầm của bức tường đá, những cây ngân hạnh và những cây phong lá đỏ mang một
một vẻ đẹp đặc biệt. Tôi có thể cả quyết rằng, bất cứ du khách nào khi đi dưới
những tán cây ngân hạnh và phong lá đỏ đó trong bầu không khí thanh khiết của
mùa thu cũng đều xúc động như tôi. Con đường Jeongdong-gil không chỉ chiếm được
trái tim du khách, mà còn chinh phục được cả các quan chức thành phố
Seoul. Năm 1999, chính
quyền thành phố này đã chọn Jeongdong-gil là “Con đường đi bộ đẹp nhất”.
Jeongdong-gil không chỉ là con đường đẹp mà còn là con đường lịch sử. Trong
thời kỳ vua Joseon trị vì, khu vực này là nơi sinh sống của các quan lại ngành
tòa án và tầng lớp quý tộc. Đến cuối thế kỷ 19, nó trở thành nơi cư ngụ của
người phương tây, chủ yếu là các nhà truyền giáo và nhà ngoại giao. Ngày nay
khu vực xung quanh đường Jeongdong-gil vẫn là nơi có nhiều người nước ngoài
sinh sống và làm việc.
Trí nhớ của con người thật kỳ lạ. Nhiều năm trôi qua, nhưng giờ đây, mỗi khi
nhắc đến Hàn Quốc, trong tâm trí tôi lại hiện lên những con đường vàng ươm màu
lá cây ngân hạnh. Nếu có ý định đi du lịch Hàn Quốc, bạn hãy đến
Seoul vào mùa thu để trải
nghiệm điều kỳ diệu của mùa thu nước này. Và bạn hãy một lần dạo bước trên con
đường Deoksugung- gil gần cung điện Deoksugung, để cảm nhận bầu không khí yên
bình dưới vòm lá rực rỡ của những cây phong và cây ngân hạnh.
Lương Duyên Tâm
(Bài đã
đăng trên Vnexpress)