Kỳ thi
Truyện ngắn của
Eduard Petiska
Trong phòng vẫn còn tối đen, chỉ có chút ánh sáng màu xanh
lá cây tỏa ra từ những chữ số trên mặt chiếc đồng hồ báo thức. Kim chỉ một
giờ rưỡi.
Denisa không ngủ được. Thời gian gần đây cô đâm ra hay buồn
ngủ về ban ngày, còn ban đem thì lại tỉnh.Trong đêm cô thường hay nghĩ lung
tung về những chuyện mà ban ngày cô không nghĩ đến. Có thể nói đó là những nỗi
lo âu. Ở đấy có mẹ, có Lesek và có kỳ thi tốt nghiệp trung học đang chờ cô sau
hai tháng nữa.
Lesek nằm bên cô và đang ngủ.Cô có thể hình dung ra anh ngay
cả trong bóng đêm.Anh nằm nghiêng về bên phải, đầu gối co lại, mái tóc dài của
anh xõa trên vai trần.Bất cứ lúc nào nghĩ về Lesek là cô lại nhớ đến mẹ.
Sáng hôm qua mẹ đi đi lại lại trong căn hộ hai phòng mà hai
mẹ con đã ở với nhau suốt mười hai năm trời, kể từ khi bố cô bỏ đi, lúc con gái
ông mới có năm tuổi. Mẹ đi lại trong phòng và từ người mẹ tỏa ra cái mùi của
bệnh viện. Mặc dù trước khi về nhà, mẹ đã thay áo và để ở chỗ làm việc cái áo
blu của hộ lý nhưng mẹ vẫn như chuyển cả cái bệnh viện về nhà. Về mặt này thì
con gái bà có khứu giác đặc biệt thính nhậy. Lúc bấy giờ mẹ cô cứ đi lại mãi
trong phòng để truy tìm dấu vết. Và khi mẹ bước vào thì câu chuyện bắt đầu.
Denisa!- Mẹ la, - Cái thằng ấy lại đến đây phải không?
Câu nói này Denisa đã nghe thấy cách đây nửa năm, bằng cái
giọng hệt như thế và cũng đúng vào giờ này. Nửa năm trước đây cô và Lesek còn
thận trọng hơn. Bao giờ họ cũng cố gắng xóa các dấu vết. Những đầu mẩu thuốc lá
trong cái gạt tàn đã được đổ đi sạch. Trong khi mẹ cô đi tới đi lui trong phòng
và quát tháo thì Denisa tin chắc rằng những đầu mẩu thuốc lá kia là những chứng
cứ duy nhất để chứng minh sự có mặt của Lesek và cô dần dần bình tĩnh lại. Cô
cố giữ im lặng, không cãi mẹ.
Mẹ cô cáu kỉnh đi quanh cô. Trong lời mẹ nói bao gồm cả sự
mệt mỏi, nỗi tức giận và tình trạng bất lực.
-
Mẹ thì đi trực đêm… Còn con, con dẫn trai vào phòng
ngủ…
Denisa chỉ chọn nghe trong những lời trách mắng một số từ.
-
Anh ấy là bạn con, cô trả lời.
-
Thật xấu hổ, -mẹ cô nói. Cứ thế, rồi chẳng bao lâu nữa
con sẽ trở thành một đứa con gái hư hỏng.
Denisa không còn nhận ra mẹ nữa.
Tất cả những chuyện xảy ra sáng hôm qua cũng giống như tấn
kịch om sòm xảy ra cách đây nửa năm. Lần ấy Lesek để quên chiếc mũ ở nhà cô.
Ngay tối hôm đó, khi mẹ đi trực đêm thì Lesek đến. Denisa nói ngay với anh về
chuyện chiếc mũ.
-
Thế à…- anh ngạc nhiên. – Em biết không, anh hoàn toàn
không nhớ là mình đã mang theo mũ. Thế nó đâu?
-
Mẹ em mang đi rồi.
-
Mẹ có biết tên anh không?
-
Không.
Anh ôm lấy vai cô và dẫn cô đến bên giường.
-
Không, không, - cô nói, - hôm nay chúng mình đi xem phim.
-
Anh không thích xem.
-
Sao lại không?
-
Em thừa biết là anh đang muốn gì.
Anh ngồi lên giường và nhìn cô đang đứng bối rối cạnh bàn.
Bao giờ cũng thế, kể cả hôm ấy.
- Em yêu anh cơ mà, - cô nói khẽ.
- Như yêu mẹ và yêu bố chứ gì?
- Không phải.
Tình cờ anh đã nhắc đến bố cô.
-
Em có còn yêu anh nữa không?
-
Anh không thấy là em vẫn yêu anh à?
-
Như yêu mẹ và…
-
Anh từ từ đứng dậy, từ từ đi vòng qua bàn, từ từ đi ra
phía cửa. Anh chờ cô giữ lại. Nhưng cô không giữ anh. Anh bước ra ngoài hành
lang. Cô đi theo anh và mở cửa cho anh.
Khi anh bước xuống thềm, đế giày xiết lên bậc cầu thang kèn
kẹt như có ai dùng dao cùn cắt một khúc bần.
Cô chạy theo và đuổi kịp anh ở tầng mặt đất. Cô dẫn anh lên
, tim đập thình thịch vì sợ có người nào đó nhìn thấy họ đi với nhau; nhưng
không ai nhìn thấy.
Hôm ấy là đêm đầu tiên Lesek ngủ ở nhà cô. Từ đó đến nay đã
mấy tháng rồi. Từ đó đến nay mẹ cô đã có bao nhiêu buổi trực đêm và cô với
Lesek đã ở với nhau thêm bao nhiêu lần nữa. Gần nửa năm rồi còn gì.
Lesek đã quen thuộc với căn phòng như là người trong gia
đình nhưng không ai biết gì về anh. Nếu không có những đầu mẩu thuốc lá và cái mũ
ấy thì ngay cả mẹ cũng không tài nào biết được. Denisa không bao giờ kể với ai
về anh, kể cả các bạn học của mình. Bất cứ khi nào cô cảm thấy băn khoăn về mối
quan hệ của mình thì ý thức lại an ủi cô rằng mọi chuyện cô làm là hoàn toàn bí
mật, và điều bí mật đó đã làm cho cô có vẻ khác người. Cô thấy thích thú vì
thấy mình không giống những người bình thường, nhất là điều bí mật kia lại liên
quan đến một người đàn ông.
Cách đây không lâu bố cô là người đàn ông duy nhất trong gia
đình. Dù ở rất xa nhưng từ ông vẫn tỏa ra một thứ ánh sáng rất đặc biệt nào đó,
tương tự như ánh lửa của đám cháy ở phía xa xăm, nó làm cho người ta lo ngại
nhưng đồng thời lại khêu gợi cả sự tò mò.
Bố cô hiện đang sống ở Australia nhưng không ai biết đích
xác ông đang sống vất vưởng hay đã trở thành một người giàu có. Chỉ có mẹ cô là
luôn luôn tin chắc rằng ông vẫn đang sống một cuộc đời khốn khổ. Khi mà bố cô
đã từ bỏ gia đình cô để ra đi thì có nghĩa là bố coi mẹ con cô như đã chết. Nếu
vậy thì đối với mẹ con cô, bố cũng như đã chết rồi, có điều chết mà không đi
viếng mộ được mà thôi.
Sau khi bố đi, mẹ cô đã gỡ bức ảnh treo trên tường xuống.
Trong bức ảnh viền khung kim loại ấy có một người đàn ông còn trẻ ngồi trên chiếc
xe mô tô và đang mỉm cười. Người đàn ông ấy là bố cô, còn cái xe mô tô ông đang
ngồi là của một người bạn.
-
Cả đến cái xe mô tô ông ấy cũng đi mượn, - mẹ cô thường
nói thế.
Bức ảnh để lại trên tường một vệt mờ hình chữ nhật, nhưng
giờ đây, sau bao nhiêu lần quét vôi lại, không ai có thể nhận ra trước đây nó đã
được treo ở chỗ nào. Một lần Denisa hỏi mẹ về bức ảnh đó nhưng mẹ cô nghiêm
khắc từ chối. Trong cuộc đời mình Denisa đã mất cả bố lẫn bức ảnh duy nhất của
ông. Đôi khi cô có cảm tưởng rằng cô đã đánh mất một cái gì đó mà cô chưa hề
có. Cảm giác đó khiến cô thấy mình cần phải thổ lộ với mẹ về các bạn trai cùng
lớp hoặc cùng phố với mình.
-
Ôi dào! – Mẹ cô thường lạnh lùng nói thế và trong mắt
mẹ ánh lên sự nghi ngờ được giấu giếm một cách vụng về, rằng con gái bà đã bắt
đầu thừa hưởng được tính di truyền của bố nó.
Mẹ không bao giờ nói chuyện về đàn ông. Giữa mẹ và những
người đàn ông là kinh nghiệm sống không thành đạt với người chồng và nó như một
trở ngại, mặc dù với những người đàn bà khác, - điều này Denisa đã có cơ hội
quan sát xung quanh, – những người đàn bà khác thì lại sử dụng thất bại của
mình với người chồng cũ như là một cái cầu để đến với người đàn ông khác và
người đàn ông khác nữa. Giờ đây cô đã không còn nhớ vẻ mặt bố cũng như cô không
thể nào phục hồi được diện mạo của ông. Trong phòng bên cạnh có treo bức ảnh
của ông ngoại cô. Trong ảnh là một người đàn ông trẻ, đẹp, để ria, đang chăm chú nhìn. Thế rồi trong trí tưởng
tượng của cô, hình ảnh người bố đã thay bằng vẻ mặt của ông ngoại và rốt cuộc,
khi cô nghĩ về bố thì gương mặt người ông thời trẻ hiện ra.
Cách đây sáu năm, người đưa thư mang đến một bức thư của bố
cô. Đó là lá thư đầu tiên và cũng là lá thư duy nhất. Denisa tin chắc mẹ sẽ đọc
to lá thư này cho cả cô cùng nghe.
-
Thư của ai thế mẹ? – Cô hỏi.
-
Của ông ấy.
-
Mẹ đọc đi.
-
Không…- Mẹ cô trả lời và bỏ lá thư vào túi tạp dề.
Mẹ đã cất kỹ lá thư. Mẹ bỏ nó vào ngăn kéo và khóa lại. Thế
nhưng trên thế gian này không có thứ bí mật nào có thể giữ kín được.
Một lần mẹ cô vội đi trực và quên khóa ngăn kéo. Thế là
Denisa lấy được bức thư mà từ lâu cô vẫn ao ước đọc nó. Ở nơi nào đó chắc chắn
phải tồn tại một chiếc chìa khóa để cô mở cánh cửa quá khứ mà bấy lâu nay mẹ
vẫn đóng chặt trước mắt cô. Denisa khao khát sự thật đến mức lúc cô rút bức thư
từ chiếc phong bì có dán những con tem to và sặc sỡ ra, miệng cô khô lại vì cảm
động. Lá thư tuột khỏi tay cô. Cô nhặt lá thư từ dưới sàn nhà lên, hấp tấp đọc:
Magda, – lá thư viết –
tôi không được all right lắm, vì thế tôi viết thư này cho cô. Nếu tôi được all
rirght thì tôi không viết thư cho cô đâu. Tôi đã nếm trải nhiều, hưởng thụ cũng
không ít, nhưng điều ấy cũng chẳng cần phải nói vì lúc nào cô cũng biết cái mà
cô cần biết và không ai có thể thuyết phục cô được. Bao giờ cô cũng đúng. Cô có
biết vì sao tôi bỏ đi không? Vì cô là người không ai có thể chịu đựng được bởi
vì những lý thuyết của mình. Lúc nào cô cũng cho là mình đang nắm giữ lẽ phải
và không có ai khác ngoài cô. Còn tôi thì tôi muốn sống tự do. Nhưng làm gì có
tự do khi tôi luôn sống trong nhục nhã. Điều nàu tôi chưa được giãi bày, vì thế
nên tôi mới viết lá thư này. Suốt bảy năm trời tôi không viết, do đó cả lá thư
này cũng sẽ chẳng có ý nghĩa gì hết. Nhưng giờ đây tôi không được all right, vì
thế nên tôi mới viết. Cô hãy cứ việc sống theo các nguyên lý của mình.
Karel
Thoạt tiên Denisa không hiểu gì cả. Cô nghĩ, có lẽ vì cô đọc
quá nhanh nên đã không hiểu được ý nghĩa sâu xa và bí hiểm của bức thư. Cô kiểm
tra kỹ lá thư, xem nó có đúng là nét chữ của bố cô không. Ở một vài đoạn nét
chữ thay đổi, như thể cái bàn viết bị cập kênh và cuối câu, trước các dấu chấm,
nét chữ được kết thúc bằng những nét uốn cong cong một cách không cần thiết.
Denisa ngắm chiếc phong bì, những con tem Australia và những cái dấu bưu điện
không tài nào đọc được. Sau đó cô đọc lại bức thư một lần nữa. Cô thấy buồn vì
bố đã không hề nhắc đến cô. Nhưng ngay cả mẹ cô bố cũng không nhắc đến. Bố chỉ
toàn nói về mình và về mình mà thôi. Mẹ Denisa chỉ là đối tượng để bố cô kêu ca
về những nỗi dằn vặt của mình.
Lẽ ra mình không nên đọc lá thư ấy, - cô tự trách móc bản
thân. – Trên đời này có lẽ tốt hơn cả là có một vài điều ước không toại nguyện,
hoặc nếu có được toại nguyện thì cũng từ từ thôi, đừng đường đột quá. Ý nghĩa
của việc đọc lá thư thì cô được biết vào sáng hôm qua, khi mẹ cô la mắng cô vì
mấy cái đầu mẩu thuốc lá của người lạ trong phòng. Cơn bực tức của mẹ cô có lẽ
đã được tích lũy từ trước, sau một đêm thức trắng ở bệnh viện. Và Denisa bỗng
nhận ra rằng, mẹ cô không chỉ trích Lesek, người mẹ không hề quen biết, mà mẹ
chỉ trích cái người đàn ông đã bỏ mẹ mà đi, cái con người không hề biết nhận
một chút xíu lỗi lầm nào đối với số phận của mẹ. Chính vì ghét bố nên mẹ đã
ghét lây sang cả những người đàn ông khác. Denisa bỗng thấy những lời nói của
mẹ cô trở nên đáng ghét. Cô không còn giữ được im lặng nữa và lên tiếng cãi
lại.
-
Mẹ thì bao giờ cũng đúng! – Cô nói và không nhận ra là
mình đã trả lời mẹ bằng chính cái câu mà cô đã lấy ra từ bức thư của bố. Và mẹ
cô nhận ra ngay vì bà cũng đã thuộc lòng bức thư kia. Bản thân bà cũng đang ấm
ức vì không có địa chỉ để trả lời người chồng cũ một cách thẳng thừng và sòng
phẳng.
-
- Vậy ra cô đã đọc bức thư ấy rồi, - mẹ la lớn. - Thì ra cô không chỉ dẫn trai vào phòng ngủ mà
còn thọc tay, gí mũi vào ngăn kéo bàn của người khác.
Vì không chế ngự được cơn giận dữ, mẹ cô đã thốt ra cả những
từ ngữ mà cô chưa từng nghe thấy từ miệng bà. Thật là khó chịu khi thấy mẹ hèn
hạ đi vì tức giận và tầm thường đi vì những lời mà bà thốt ra. Giờ thì chẳng
khác nào cuộc cãi vã giữa mẹ và bố. Cái mà bà không viết cho chồng được thì bà
trút cả vào Denisa.
-
Không ai cho tôi là người xấu cả., - mẹ than thở. – Chỉ
mỗi bố cô thôi. Cả cô nữa. Phải chăng bởi vì tôi đã hy sinh tất cả cho cô? Không. Bởi vì cô chẳng khác gì bố cô cả. Nhưng,
nói để cô biết, - bà òa lên khóc, - tự tôi, tôi gánh chịu số phận của mình. Có
thể là tôi cô đơn giữa mọi người. Nhưng bố cô và cô, các người chẳng ai chịu
gánh vác cái gì hết. Chẳng ai chịu gánh vác cái gì hết!
Mẹ tiếp tục độc thoại. Bà kể lể mãi về những nhược điểm của
bố như tính nhẹ dạ, không chung thủy và vô số những chi tiết phản bội nhỏ nhen
khác. Kể cả tính lười biếng. Phải rồi, mẹ đã dùng từ lười biếng. Càng tức giận
mẹ càng cất cao giọng và Denisa cảm thấy hơi thở nóng bừng của mẹ dù cô ngồi
cách mẹ một khoảng cách khá xa.
-
Lần thứ nhất, - mẹ kể lể,- lần thứ nhất ông ta đã lẩn
tránh tôi khi tôi nói rằng tôi sắp có con. Bố cô là một người vô trách nhiệm.
Nghe nói đến nghĩa vụ là biến mất ngay lập tức. Tôi đã đi truy lùng bố cô và
dẫn ông ta về. Nếu không làm quyết liệt như thế thì cô đã chẳng có bố.
Denisa lắng nghe mẹ nói và thay vào khuôn mặt người bố mà cô
không còn nhớ, trước mắt cô hiện ra vẻ mặt của ông ngoại hồi còn trẻ, một khuôn
mặt vui tươi và tự tin. Chính vì thế cô không hiểu nổi mẹ, không hiểu những lời
than vãn và oán trách của bà mà nguyên do chỉ vì mấy cái đầu mẩu thuốc lá. Cô
thấy mẹ xa lạ và chỉ thấy thương hại mẹ vì bà đã bị bố lừa đảo mà thôi. Lá thư
của bố mà cô bí mật đọc được giờ mới bắt đầu có ý nghĩa. Cô được nghe những
điều mà bố cô có thể nói ra. Sau đó cô không nghe mẹ kể lể nữa. Dù sao thì
chuyện cũng đã xảy ra rồi. Những lời mẹ nói chỉ làm cho Denisa thêm đơn độc, mà
trên đời này cái cô sợ nhất là sự cô đơn.
Nếu không có những buổi chiều cô đơn thì cô đã không quen
biết Lesek. Lesek lúc nào cũng có vẻ tự tin, giống như vẻ tự tin toát ra từ bức
ảnh chân dung của ông ngoại. Anh nói với cô rằng anh đang học ở trường đại học
kỹ thuật. Anh kể cho cô nghe vô số chuyện thú vị, về các loại động cơ với vẻ
tin tưởng chắc chắn rằng cô sẽ thích. Và đúng là cô đã bắt đầu thấy thích thật.
- Cô không nghe thấy tôi nói à? – Mẹ hỏi.
- Có ạ, - cô nói dối.
- Rồi đến lúc cô muốn nghe tôi thì đã muộn mất rồi, - mẹ cô
kết thúc. Bà đã hoàn toàn kiệt sức và lê bước sang phòng bên để ngủ nốt nửa
ngày còn lại sau một đêm thức trắng ở bệnh viện.
Bây giờ, khi đêm đã chuyển dần về sáng, trong ánh sáng xanh
mờ của chiếc đồng hồ báo thức, Lesek đang nằm ngay bên cạnh cô. Cô nghe thấy
tiếng anh thở vào gối. Mẹ cô giờ đang trực ở bệnh viện. Căn nhà im ắng trong
giấc ngủ.
Denisa vẫn không sao ngủ được.
Giờ đây, khi một khoảng thời gian đã trôi qua, cô nghe thấy
những lời mẹ nói rành rọt hơn cả khi ngồi đối diện với mẹ. Vì sao bố cô bỏ đi?
Vì sợ trách nhiệm hay vì không yêu mẹ cô? Chẳng lẽ cô phải nghe theo những lời
răn dạy của mẹ, suốt đời phải giới hạn mình và xa lánh đàn ông? Chẳng lẽ cô lại
thừa hưởng từ mẹ tính cứng đầu bướng bỉnh và tính không khoan nhượng, luôn luôn
bảo vệ một cách vô ích lẽ phải của mình?
Thời gian gần đây cô và Lesek thường hay cãi nhau về những
chuyện không đâu. Không đâu trong đêm, khi Lesek ngủ, nhưng ban ngày thì nó lại
có ý nghĩa to tát đối với cô. Phải chăng đó là dấu hiệu chỉ ra rằng cô đã thừa hưởng
từ mẹ một cái gì đó mà tốt nhất cô không nên thừa hưởng. Phải chăng đó là dấu
hiệu báo trước rằng cô sẽ mất Lesek.
Cô mò mẫm tìm công tắc đèn bàn. Cô thấy chưa thỏa mãn khi
chỉ nghe thấy tiếng anh thở và cảm thấy trên vai trần của mình mái tóc anh, Cô
thấy cần phải nhìn anh, xác định vẻ mặt anh để biết chắc chắn rằng mọi chuyện
vẫn như cũ, chẳng có gì xảy ra cả. Sau mấy lần sờ soạng mà không thấy công tắc,
cô mới nhớ ra là tối hôm qua cô đã chuyển cái đèn ra xa giường. Cô không thích
cởi quần áo trong ánh sáng điện. Lesek thì không thể nào hiểu được điều đó. Vì
vậy cô phải mang cây đèn ra tận góc phòng và bây giờ nó vẫn còn ở đó.
Denisa thận trọng trở dậy bật đèn. Qua cái tán loe, ánh điện
tỏa sáng như một làn sương màu hồng dịu. Denisa quay trở lại giường, kéo chăn
đắp lên người. Cô quan sát vẻ mặt Lesek. Anh nằm nghiêng, má bên phải đặt trên
gối. Trong bóng đêm cô nghe rõ tiếng anh thở, thế mà bây giờ cô thấy hình như
anh không còn thở nữa. Anh nằm không động đậy như thể đã chết. Cô hoảng hồn.
Đúng lúc đó Lesek cựa mình và đụng mặt vào cánh tay cô đang đưa ra thử cản hơi
thở của anh. Lesek lim dim mắt, trán cau lại.
-
Có chuyện gì thế? Đến giờ rồi à? – Anh thốt lên.
Cô xấu hổ.
-
Chẳng có chuyện gì cả. Anh cứ đi ngủ đi. Em tắt đèn
ngay bây giờ.
Cô tắt đèn và nằm trằn trọc một lúc. Cô vẫn không ngủ được.
Cô lại linh cảm thấy rằng cô sẽ mất Lesek. Cô lắng nghe tiếng thở của anh.
Nhưng vì không nghe thấy gì nên cô lại đi về phía cây đèn. Cô bật điện và chưa
kịp trở lại giường đã thấy Lesek ngồi dậy.
-
Em làm trò gì vậy? – anh hỏi. – Em làm sao thế?
-
Chẳng sao cả.
-
Có. Em làm sao ấy.
Đúng lúc ấy một câu hỏi lóe lên trong đầu cô. Sau này, khi
nhớ lại, cô phải tự thừa nhận rằng, nếu không có trận cãi nhau với mẹ vừa qua
thì cô không thể nảy ra ý nghĩ ấy giữa đêm khuya, trong ánh sáng màu hồng dịu
của căn phòng.
-
Nhỡ em có con thì sao? – cô hỏi.
-
Tất nhiên đó là điều vô lý.
-
Đấy là anh nghĩ thế.
-
Vô lý. Con nào?
-
Con chúng ta chứ còn con nào! – Cô nói.
Anh thả hai chân xuống sàn nhà. Khi ngủ Lesek mặc quần đùi
và cởi trần, cái lưng trắng của anh lấm tấm tàn hương. Anh nhún vai mấy lần
liền.
-
Nếu chuyện đó xảy ra thì tôi chẳng hề có lỗi gì hết,
-
Vậy ai có lỗi? – Cô hỏi.
Anh với cái quần vắt trên ghế, lấy ra bao thuốc lá và châm
thuốc hút. Cô thận trọng cầm lấy que diêm đã tắt từ tay anh.
-
Chuyện đã xảy ra rồi. Anh phải lấy em làm vợ thôi.
-
Cưới ư?
-
Vâng.
-
Chà! – Anh thốt lên.
Cô ngạc nhiên vì thấy Lesek bỗng nhiên trở nên lung túng,
thiếu tự tin. Nhưng rồi anh vẫn có cách giải quyết.
-
Cô nghe đây. – Anh vừa nói vừa bóp vụn điếu thuốc lá và
bỏ nó vào cái gạt tàn. – Xin cô hãy loại tôi ra khỏi màn kịch này.
-
Anh…
-
Khi một đứa con gái đã dẫn một thằng đàn ông vào phòng
ngủ của mình vào ban đêm…
-
Anh…
Anh chùn bước trước ánh mắt cô, với tay lấy chiếc áo sơ mi.
Anh vội vã, luống cuống mặc quần áo, trong khi miệng vẫn nói liến thoắng.
-
Khi một đứa con gái đã dẫn một thằng đàn ông vào phòng
ngủ …nó có thể dẫn vào phòng cả những thằng khác…Khi một đứa con gái đã…
-
Anh câm mồm ngay! – Cô hét lên.
Anh đưa tay chỉ vào tường, như muốn báo cho cô biết: hàng
xóm.
Cô mặc bộ áo ngủ vào người và mang chìa khóa ra trước. Vừa
đi Lesek vừa xỏ giày.
Cô mở cửa nhà. Trời đã hửng sáng. Vầng trăng trên bầu trời
như kỷ niệm của đêm qua còn lưu lại.
Khi quay trở về phòng, cô bước thẳng đến phòng tắm và dội
người rất lâu bằng nước lạnh. Sau đó cô lấy vỏ chăn, vỏ gối cũ ra và thay bằng
những thứ mới. Cô mở cửa sổ thông khí trong phòng. Cô rửa thật kỹ cái gạt tàn.
Vậy mà cô vẫn chưa thấy thỏa mãn niềm khao khát muốn cho mọi thứ thật sạch sẽ.
Cô để lên bàn tập câu hỏi chuẩn bị thi tốt nghiệp môn địa
lý. Đồng hồ báo thức chỉ bốn giờ năm mươi ba phút. Cô nhìn chăm chú vào trang
giấy nhưng phía sau những dòng chữ là khuôn mặt Lesek đang nhìn cô.
Mình căm thù anh ta. Cô nghĩ thầm. Nhưng cũng chẳng biết cô
căm thù Lesek hay căm thù chính bản thân mình hơn. Nếu không có anh ta cô đã
chẳng phải trải qua thử thách này. Hoặc nếu không có mẹ cô thì cô cũng chẳng
nghĩ ra trò thử thách hay kiểm tra nào hết.
Nhưng càng nghĩ cô càng cảm thấy tiếc vì tất cả những gì vừa
xảy ra chỉ như một kỳ thi hay kiểm tra mà thôi. Rồi cô nghĩ đến bố, người đã
sống với mẹ cô ít nhất cũng năm năm trời. Và năm năm bỗng hiện ra trước mắt cô
như một quãng thời gian tuyệt đẹp vô cùng tận.
Lương Duyên Tâm dịch
(Rút từ tập truyện ngắn Thế
giới tràn đầy tình yêu của nhà văn Séc Eduard Petiska, Lương Duyên Tâm dịch
từ nguyên bản, Nhà xuất bản Văn học, năm 1998)
No comments:
Post a Comment