Thursday, June 20, 2013

Truyện ngắn Cảm ơn của nhà văn Séc Eduard Petiska, Lương Duyên Tâm dịch


Nhân ngày Nhà báo Việt Nam 21-6, mời các bạn đọc truyện ngắn Cảm ơn của nhà văn Séc Eduard Petiska viết về tâm trạng của một chàng nhà báo độc thân đã luống tuổi khi trên đường đi thực tế để hoàn thành một bài phóng sự tình cờ gặp lại người phụ nữ mà anh ta từng ngưỡng mộ hồi còn học trung học.

 

 
Cảm ơn    

 

 
Truyện ngắn của Eduard Petiska

 

 
Vẫn như mọi ngày, hôm nay anh lại để rớt cà phê ra đĩa. Khi nhấc cái tách lên thế nào cà phê cũng sẽ nhỏ vào quần hoặc rơi xuống thảm, có khi vương vào cả hai thứ. Ngày hôm nay thế là lại bắt đầu như những ngày khác. Lúc Perner đã ngồi xuống uống cà phê, anh mới nhận ra là mình đã quên bỏ đường. Anh đang bị đau chân. Ngày hôm qua anh đã ngồi suốt ngày trên yên xe đạp nên giờ đây anh cảm thấy đầu gối mỏi nhừ. Anh lưỡng lự không biết có nên uống cà phê không đường không. Nhưng rồi anh đi đến quyết định là phải uống với đường. Cuộc đời chẳng lấy gì ngọt ngào cho lắm, tội gì mình làm cho nó đắng thêm.

 
Căn phòng ấm cúng. Lò sưởi tỏa hơi nóng. Bên ngoài cửa sổ bầu trời trong xanh ngào ngạt mùi hương mùa xuân. Ngày hôm nay chắc sẽ đẹp trời như ngày hôm qua.

 
Perner ăn sáng bên cái bàn nhỏ cạnh giường. Anh uống cà phê đen, thứ đồ uống tẻ ngắt của đàn ông do anh tự pha lấy.Anh nhìn cái bánh ngọt bằng đôi mắt chán ngán. Hôm qua cái bà bán bánh to béo ấy đã bán nó cho anh. Chắc bà ta phải khó nhọc lắm mới có thể chọn được cho mình chiếc bánh có lớp bơ mỏng nhất. Anh cắn lớp vỏ phủ bơ vàng giòn và chừa lại cái ruột bánh. Sau đó anh châm điếu thuốc lá và uống hết tách cà phê. Lần này thì anh không để giọt cà phê nào vương vào quần mà chỉ để nhỏ xuống thảm. Trong lúc hút thuốc và uống cà phê anh nghĩ ngợi lan man. Cái bà bán bánh ấy, bà ta không ưa mình. Nhưng nói cho cùng, ai là người thích mình cơ chứ!

 
Anh sống cô đơn một thân một mình và, như tất cả những người sống đơn lẻ khác, anh thường cảm thấy thương thân. Bây giờ, khi đã ngoại tứ tuần, anh càng cảm thấy thương mình hơn. Càng nghĩ nhiều về mình và càng thương mình, người ta càng ít để ý đến xung quanh. Những bài báo anh viết hình như chưa ổn lắm. Anh cảm thấy như thế. Nhưng anh là người viết báo đã có kinh nghiệm. Giờ đây những bài báo ấy đâu còn là những bài đầu tiên, khi anh phụ trách mục Tin tức từ quê nhà  và mục Hãy chú ý trên tờ báo huyện. Giờ đây anh thường viết phóng sự. Tuy vậy công việc không được trôi chảy lắm. Anh thấy ngán ngẩm cho những bài báo có vẻ đơn điệu, không bản sắc của mình.

 
Anh lấy chiếc cặp và mở tập ghi chép của mình ra. Tên bài phóng sự anh đã có sẵn rồi: Trại gia cầm lại bắt đầu sôi động. Thực ra anh chẳng việc gì phải vội vã đi đến cái trại gia cầm ấy. Anh có thể hình dung ra tất cả. Năm nào anh cũng viết phóng sự về nó. Cứ đến mùa xuân là lại có một bài, giống y như lễ phục sinh vậy. Bài báo năm ngoái anh đã dùng cái tít: Hãy tặng những quả trứng nhiều màu cho người thân yêu của bạn. Nếu cần Perner có thể viết bất cứ cái gì bằng chiếc máy chữ của mình. Những chuyến đi bằng xe đạp chỉ để thêm thắt vào mà thôi. Ngay từ lúc chưa đi anh đã biết cái anh sẽ nhìn thấy và cũng ngay từ đầu anh đã linh cảm thấy điều mà anh sẽ được nghe. Riêng chỉ có số gia cầm và số trứng là tăng lên.

 
Ý nghĩ về bài phóng sự lôi cuốn anh. Nếu cần anh có thể dựng lên cả một trang báo bằng toàn những đầu đề. Thỉnh thoảng, khi ngồi trên xe đạp ngắm nhìn bốn phương trời đất, anh có cảm tưởng như thế giới được tạo nên bởi những dòng tít, ví dụ như: Ánh nắng mùa xuân quyến rũ, hoặc Con đường cũ đang thanh xuân lại.

 
Trên con đường quen thuộc mà anh đi ra ngoại ô hầu như hàng ngày, khi mùa đông qua lẽ ra nó phải thanh xuân lại, nhưng thực tế nó không trẻ ra tí nào, và bài báo của anh thì đã xưa cũ mất rồi. Anh đã thuộc lòng từng cái ổ gà, từng cây mận bên đường khi nó còn trụi lá và cả vẻ vắng ngắt của con đường trong những chiều mưa buồn. Chiếc xe đạp của anh đã hằn vết lên con đường với vẻ ngoan cố của người chỉ thích đạp xe chứ không chịu ngồi ô tô buýt.

 
Anh ra đi muộn hơn mọi ngày. Bài báo trong kẹp giấy anh viết đã gần xong. Chỉ cần thêm vào vài đoạn và vài câu đối thoại trực tiếp nữa. Ngay cả mấy câu đối thoại ấy anh cũng có thể sáng tác ra được, đại loại như anh sẽ hỏi gì và người ta sẽ trả lời ra sao. Anh đi trên con đường quen thuộc như đi vào cõi trống trải vô biên, nơi ấy không còn ý nghĩ, không còn cảm giác, chỉ còn hiện ra những dòng tít của các bài báo mà anh đã viết trong quá khứ và sẽ viết trong tương lai.

 
Anh nhìn sang hàng mận bên kia đường: Mùa mận chín đang chờ thu hoạch. Anh liếc sang ống khói nhà máy đường: Vàng trắng, xin chào mừng. Anh theo con đường dốc đổ xuống bờ sông: Quê hương của bầy cá đang bị đe dọa.

 
Con sông và dải bờ xanh mờ hiện ra. Những con bướm trắng nôn nóng bay lên từ những đám cỏ, sau đó lại bay xuống. Tất cả những loài có cánh: chim chóc, bướm, ruồi đều tha hồ vẫy vùng thỏa thích. Dường như đối với chúng chẳng có biên giới nào cả. Chúng cứ việc mặc sức bay lượn trong không trung. Ít ra người ta cũng cảm thấy như thế. Tuy nhiên sự tự do vô biên ấy cũng bắt đầu làm Perner phát chán.

 

Ông già Tikava đang ngồi trên bờ sông. Đúng là Một bức tượng bên dòng nước. Từ ngày Perner viết bài báo về ông đăng trên tờ báo huyện, ông Tikava vẫy anh ngay từ đằng xa. Tất cả những việc mà ông Tikava làm trong đời đều liên quan đến dòng sông. Ông ta đã từng là thủy thủ, sau đó làm lái đò và cuối cùng là ngư phủ.

 
-          Xin chào, xin chào! – Ông già Tikava gọi anh và đưa tay qua đầu vẫy vẫy.
-          Chào bác, chào bác, - Perner chào lại, nhưng chân anh vẫn không ngừng đạp. Nếu mình không viết cái bài báo để nó mang lại vinh quang cho ông ta thì không biết ông ta có vẫy chào mình không. Rõ ràng là ông ta cũng chẳng ưa gì mình. Nhưng rốt cuôc ai là người ưa mình cơ chứ?

 
Ý nghĩ ấy làm anh quan tâm. Con người ta thích một người nào đó vì lẽ gì nhỉ? Tính cao thượng chăng?  Không phải. Hay là tiền tài hoặc sắc đẹp? Nhưng đấy không phải là tình yêu. Cái ấy chỉ có ý nghĩa đối với những kẻ tự  huyễn hoặc bản thân rằng tiền tài và sắc đẹp cũng thuộc phạm trù tình yêu. Con người thích người khác chẳng qua là vì bản thân mình mà thôi. Nhưng đó là cái phần nào của bản thân, phần xấu hay phần tốt? Đúng là khó có thể giải thích được. Có thể tình yêu là cái đến với anh rồi lại từ bỏ anh mà ra đi, giống như một cuộc đột kích từ phía ngoài vào…Anh cứ băn khoăn mãi về ý nghĩ đó. Anh không phải là người sành sỏi trong lĩnh vực tình cảm và tâm lý. Với phụ nữ anh thường cư xử nghiêm nghị và lãnh đạm mà nguyên nhân của cách cư xử đó chính là tính nhút nhát và đa nghi của anh chàng độc thân đã luống tuổi.

 
Những cây dương xanh tốt báo hiệu cho anh biết là đã đến khu trại nghỉ mát cuối tuần. Những căn nhà nghỉ vắng ngắt đang thiu thiu ngủ trong buổi sáng ngày thường. Những dãy cửa sổ đóng kín. Những con chim sẻ do không bị ai quấy rầy bay đến đậu trên máng nước chăm chú nhìn người đàn ông đơn độc đang đạp xe.

 
Perner hãm phanh. Anh lượn vòng để tránh một cái ổ gà. Nhưng khi vừa hãm phanh thì xe bị tuột xích. Thế là anh lại phải xuống xe để tra xích vào đúng vị trí của nó. Cái trò này diễn ra luôn luôn và cứ khi nào xe tuột xích là anh lại tự nhủ với bản thân rằng đã đến lúc phải mua cái xích mới, rằng anh sẽ phải sửa cái xe cho tử tế hơn, nhưng chẳng bao giờ anh chịu  thực hiện điều đó. Anh hay tự thanh minh rằng mình không có thời gian, nhưng trên thực tế cứ khi nào có thời gian thì anh lại cố trốn tránh ý định sửa xe đạp. Toàn bộ cái xe, từ xích, líp cho tới những cái đinh ốc, mọi thứ đã làm cho Perner chán ngấy. Tốt hơn hết là thỉnh thoảng chịu khó xuống đặt lại xích, sau đó lau sạch mấy ngón tay đầy dầu mỡ. Tuy nhiên, lần này anh gặp may. Sau k hi đặt lại xích, anh có thể bước xuống bờ sông rửa tay cẩn thận.

 
Khi quay trở lại chỗ để chiếc xe đạp, bất chợt anh nhìn thấy trong khuôn cửa sổ mở rộng của căn nhà nghỉ có một người đàn bà. Chị ta đang giũ giũ tấm giẻ lau nhà, vừa làm vừa nheo mắt và nhăn mũi lại. Khi cúi xuống, vùng mặt của chị ta tối lại, lộ rõ đôi gò má cao. Sự hiện diện của người phụ nữ trong khu nhà nghỉ vào giờ này và ngày hôm nay làm Perner ngạc nhiên. Anh đứng yên bên chiếc xe một lát.

 
Người đàn bà ngừng giũ tấm giẻ lau nhà. Chị ta mở to đôi mắt màu nâu nhìn anh. Ngay từ xa anh đã có thể nhận ra đó là một đôi mắt màu nâu và anh linh cảm thấy rằng anh biết về chị ta nhiều hơn thế. Thoạt nhìn anh đã biết chắc chắn như vậy.

 
-          Lada! – Người đàn bà thốt lên.

 
Hình như mình đã trải qua cái cảnh này một lần rồi thì phải, - anh thoáng nghĩ. Và mặc dù anh chẳng để ý đến cái năm tháng xa xưa ấy, anh vẫn bước qua cánh cổng khép hờ để vào mảnh vườn nhỏ. Người đàn bà rời cửa sổ. Hai người gặp nhau ở cửa nhà. Chị đến chậm hơn anh một chút vì khi đi qua tấm gương , chị còn ghé lại ngắm khuôn mặt mình một thoáng.

 
-          Sao lại có chuyện kỳ lạ thế này? – Anh nắm bàn tay ấm áp của chị. – Suýt nữa thì tôi không nhận ra. Chỉ tại mái tóc này. – Và anh nghiêng đầu về phía mái tóc cắt ngắn của chị.
-          - Chỉ tại mái tóc thôi ư? – Chị cười.
-          Vâng. Chỉ tại mỗi mái tóc thôi. – Và anh cười lấy lòng.
-          Còn anh thì tôi nhận ra ngay. – Thực ra chị đã nói dối. Phải mất một lúc chị mới nhận ra trên khuôn mặt người đàn ông dáng dấp của chàng thanh niên trẻ trung ngày xưa, cái ngày đã chìm trong màn sương mờ của quá khứ. (Ôi cái thời ấy mới đáng yêu làm sao). Dáng đứng của người đàn ông bên chiếc xe đạp gợi chị nhớ về một kỷ niệm, ở đấy có có một người con trai đã lâu lắm rồi thường đứng dưới cửa sổ nhà chị. Đúng, khi ấy anh còn là một chàng trai mới lớn, còn chị , chị cũng chỉ mới là một thiếu nữ. Những năm tháng đó chị sống cùng với bố mẹ mình trong căn hộ ở tầng hai một tòa nhà cao tầng trong thành phố. Giờ đây, khi hai người đã ngồi bên nhau trong nhà, chị nhận ra  từ khuôn mặt beo béo của anh dáng vẻ của chàng trai gầy gò năm xưa.

 
Perner không để ý đến cái nhìn mang ý nghĩa khám phá ấy. Bản thân anh, anh cũng để ý nét mặt người đàn bà để đoán biết số phận chị. Những kỷ niệm của thời xa xưa đã bị ngày tháng cuốn đi hầu như toàn bộ mọi chi tiết, giống như những rặng cây về mùa thu bị rụng hết lá, chỉ còn trơ khấc những cành.

 
-          Chị có cháu rồi phải không?- Anh hỏi. Năm tháng xa xưa như quay trở về với họ. Bao nhiêu năm đã trôi qua nhỉ? Hai mươi năm hay là hơn? Thật là cả một núi thời gian.
-          Mọi chuyện đều tốt lành cả, - chị nói, - chỉ có điều là tôi đã ly dị chồng…

 
Anh lắng nghe chị kể, mắt ngước nhìn tán cây thưa thớt lá ngoài sân. Câu chuyện cũng ngắn ngủi thôi nhưng anh không muốn chị cứ kể lể mãi về những chuyện không liên quan gì đến mình.

 
Anh điểm lại trí nhớ. Trong bức tranh quá khứ anh bỗng thấy hiện lên không sót một chi tiết quan trọng nào. Trong bức tranh ấy có một dòng sông, một vầng trăng ướt át phản xạ trên mặt nước và bóng nước gợn sóng lăn tăn khi chiếc ca nô của họ được thả xuống sông.

 
Họ đã thuê chiếc ca nô ấy và cùng nhau bơi đến một cái đảo nằm giữa dòng sông để  tổ chức buổi dạ hội chia tay sau ngày thi tốt nghiệp trung học. Họ muốn liên hoan theo cái kiểu của mình, không muốn bị ai ép buộc hoặc áp đặt. Họ đang lâng lâng bởi cảm giác rằng họ đã trở thành người lớn. Dưới đáy ca nô lăn lóc mấy cái vỏ chai đựng rượu rỗng không.

 
Các cậu nam sinh và các cô nữ sinh cho đến lúc ấy vẫn còn rất gắn bó với nhau. Họ đã học với nhau nhiều năm và giờ đây tất cả đều biết rằng họ sẽ không còn nhiều dịp gặp nhau nữa.

 
Anh đã đưa tay dắt chị bước xuống chiếc xuồng máy nhỏ và anh có cảm giác như thể anh đang dắt tương lai của mình. Thực ra anh cũng tin như thế. Hồi ấy anh khâm phục chị ở mọi phương diện: cái mũi tẹt, đôi gò má cao, cặp mắt to màu nâu. Tình yêu không cần đến vẻ hài hòa., tình yêu ngưỡng mộ chính bản thân nó.

 
Mãi cho đến khi trong anh không còn tình cảm bồng bột say mê của tuổi trẻ, cảm giác ngây ngất của cuộc chia tay đêm ấy vẫn còn ám ảnh anh. Giờ đây anh ngắm nhìn khuôn mặt của người đàn bà ngồi trước mặt mình, cố tìm kiếm không phải dáng dấp người con gái năm xưa mà là cái cảm giác ngây ngất thuở nào. Hàng ngày anh thường gặp khá nhiều gương mặt phụ nữ. Ở người này, nét mặt họ phản ánh tâm trạng không bình yên, ở người kia là sự chậm chạp lười biếng biểu hiện bằng những cái chớp mắt uể oải, ở một số người đàn bà khác, nét mặt họ lại làm anh khó chịu bởi vẻ tự tin quá đáng.

 
Người đàn bà ngồi đối diện với anh vẫn nói. Chị kể về những công vệc của mình và về lũ cháu. Perner phân vân không biết nên xếp khuôn mặt chị vào loại nôn nóng, thỏa mãn hay tự tin bởi vì trong khoảnh khắc anh bỗng thấy hiển hiện trước mắt mình kỷ niệm của ngày xa xưa và anh như nghe thấy từ chiếc xuồng máy vang lên cùng những tiếng hát, tiếng cười nói, tiếng gọi nhau…

 
Khi lửa trại đốt lên, khói tỏa mùi thơm của củi ẩm. Từ chiều họ đã chuẩn bị sẵn một đống củi nhưng do sương xuống nhiều nên chúng thấm hơi ẩm và phải một lúc lâu sau ngọn lửa mới bùng lên, những tia lửa màu hồng và màu vàng. Trong ánh lửa anh thấy thấp thoáng những khuôn mặt bạn bè mình, bạn trai và bạn gái. Những khuôn mặt xếp thành vòng tròn xung quanh đống lửa đang lắc lư theo tiếng hát. Hồi ấy họ đã hát bài gì nhỉ? Và đó là những khuôn mặt ai? Itka ngồi bên cạnh Perner. Anh không dám nhìn sang phía chị mà đăm đăm nhìn ngọn lửa, đồng thời cảm thấy trong tim mình có một bài thơ đang hình thành, giống như một nỗi nhớ thương, xao xuyến đang từ từ dâng lên. Đến tận giờ, khi đã ngồi trong căn nhà nghỉ bên sông này, anh vẫn còn thấy rõ ràng cảm giác ấy. Lúc đó anh thấy mình đã lớn, đã trưởng thành, khỏe mạnh, cường tráng và đang vùn vụt bốc lên như làn khói cuồn cuộn dâng lên từ đống lửa trại. Anh bỗng cảm thấy biết ơn.

 
-          Cảm ơn chị, - đột nhiên anh nói, cắt ngang lời người phụ nữ đang ngồi đối diện với mình.
-          Anh cảm ơn tôi về cái gì cơ chứ? – Chị hỏi anh. Sau đó chị tiếp tục câu chuyện bỏ dở.  – Tôi nói: Vitek, cháu không được phép làm như vậy. Cháu mà làm thế thì bà sẽ khóc đấy…- Rồi chị bỗng sực nhớ: - Anh uống cà phê nhé. Tôi đi pha cà phê đây. Anh thấy thế nào? – Rồi chị đứng dậy, đi ra phía sau tấm rèm, lấy một cái bình và rót nước vào đó.

 
Sau khi đã chất đầy củi lên đống lửa, đám thanh niên bắt đầu khiêu vũ. Milan mang theo một chiếc máy ghi âm, cái máy cổ lỗ sĩ có ghi năm sản xuất 1947. Họ nhảy trong ánh sáng bập bùng bên hơi ấm của ngọn lửa. Sáng và tối, nóng và lạnh xen kẽ nhau. Perner nhảy với Itka, và anh có cảm giác như đang khiêu vũ với cái bóng thơm ngát của chị. Mỗi khi ngọn lửa chìm đi, trong bóng tối, chị lại áp sát người vào anh, đến nỗi anh cảm thấy hơi ấm của thân thể chị thấm vào tận trái tim mình.

 
Rồi anh ngồi trên đám cỏ một mình tận hưởng cái cảm giác vừa rồi một lần nữa, sâu sắc hơn, mãnh liệt hơn, đồng thời anh mơ tưởng về tương lai. Khi ấy đêm đã khuya, ngọn lửa tàn dần và vầng trăng ngày càng sáng hơn. Bỗng nhiên anh nhận ra rằng Itka, trong lúc nhảy với Milan, mỗi khi chìm trong khoảng tối, chị cũng áp sát người vào cậu ta. Anh đứng lên, rời bãi cỏ, đi về phía bờ sông, sát mặt nước và cảm thấy có cái gì như giới hạn tận cùng. Trên dòng sông thẫm đen, sóng gợn lăn tăn, chỗ tối chỗ sáng đan cài vào nhau, như không có biên giới, không có khoảng chuyển tiếp. Giống như niềm hạnh phúc và nỗi đau đớn của con người.
-          Tôi được phép hút thuốc chứ?
-          Tất nhiên rồi,- chị trả lời. Và anh nghe thấy phía sau tấm rèm có tiếng lách cách.

 
Có một bóng người đi từ phía trên xuống bờ sông và tiến đến chỗ anh. Ai thế nhỉ? Mãi tới khi người ấy đến gần anh mới nhận ra . Đó là Ivanka, cô bạn gái học cùng lớp với anh, cô gái mà anh chỉ để ý khi mượn vở chép bài.
-          Anh làm gì ở đây thế?- Cô hỏi và ngồi xuống bên anh, bên đống đá. Đó là một cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn. Cô nói, như thể thanh minh: - Trên ấy họ vẫn đang khiêu vũ.

 
Đúng ra cô chẳng cần nói điều đó vì trong tiếng dế kêu dai dẳng thỉnh thoảng lại vang lên tiếng kèn xắc xô phôn. Perner đang khao khát một thứ tình thương mến nào đó, anh muốn được hưởng tình cảm dịu dàng.
-          Ivanka…

 
Ivanka đã hiểu được nỗi thất vọng của anh. Phụ nữ họ luôn luôn thấu hiểu những nỗi bất hạnh của đàn ông, nhất là khi nỗi bất hạnh đó bắt nguồn từ một người phụ nữ khác. Cô đưa tay ra và anh nắm lấy tay cô bằng một động tác như đóng kịch, đến nỗi ngày hôm sau, khi nhớ lại động tác đó anh vẫn còn cảm thấy ngượng, thế nhưng lúc đó, giữa đêm khuya, anh lại thấy nó mang nhiều ý nghĩa. Anh nắm bàn tay Ivanka trong tay mình, những ngón tay cô nhỏ bé, xinh xẻo, yếu ớt và có gì đó như hiến dâng. Ivanka không giống Itka. Cả bàn tay cô cũng không giống bàn tay của Itka.

 
Đã lâu rồi anh không nhớ lại buổi tối hôm đó nữa. Thế mà giờ đây kỷ niệm cũ chợt sống lại, rõ ràng và sinh động như thể anh vẫn thường nhớ đến hàng ngày.

 
Mãi đến gần sáng cả lớp mới chia tay nhau. Sau đó họ không còn dịp nào gặp nhau nữa. Anh không nhớ được nét mặt của Ivanka. Mỗi khi muốn hình dung vẻ mặt cô, anh phải tìm cô trong bức ảnh chụp cả lớp hồi thi tốt nghiệp trung học. Khuôn mặt cô lẫn trong bao nhiêu là khuôn mặt khác. Nhưng khuôn mặt Itka thì anh nhớ. Chỉ riêng Itka thôi.

 
Từ bếp chị quay trở lại chỗ cũ, tay bưng hai tách cà phê. Chị đặt một tách cà phê trước mặt Perner, và anh nhận thấy chị không để vương ra đĩa giọt nào. Có lẽ mình cần đôi bàn tay phụ nữ. Ý nghĩ đó vang lên trong đầu anh, nghe như đầu đề của một bài báo.

 
Chị ngồi vào chỗ của mình rồi nói:
-          Anh cho tôi xin hơi thuốc.
-          Mời chị. – Anh rút từ trong túi ra bao thuốc lá và đưa nó cho chị.
-          Không, - chị cười, - tôi chỉ hút một hơi thôi.

 
Anh đưa cho chị điếu thuốc hút dở. Chị hút một hơi nhẹ và ngay sau đó đưa trả anh. Rồi chị quay mặt đi để nhả khói.

 
Anh cầm điếu thuốc bằng hai ngón tay và cảm thấy trên môi mình mùi sáp tô môi thơm thơm như mùi quả dâu rừng. Đó là cái hôn của chị mà điếu thuốc lá đã chuyển cho anh.

 
-          Chị có nhớ …- Anh lưỡng lự. – Chị có nhớ buổi dạ hội chia tay sau ngày chúng ta tốt nghiệp trung học không?
-          Buổi dạ hội tổ chức ở khách sạn Zastera ấy à?

 
Hồi ấy họ có những hai buổi dạ hội chia tay. Một buổi chính thức tổ chức cùng các thày, các cô ở khách sạn và một buổi do họ tự tổ chức, đi bằng xuồng máy, bên đống lửa trại, ở trong rừng. Perner đã quên bẵng mất buổi liên hoan tổ chức ở khách sạn.
-          Không, - anh nói, - tôi định nói đến buổi dạ hội đi bằng ca nô, có đốt lửa ấy…
-          Dạ hội chia tay bên đống lửa ấy à?...- Chị xoay xoay bao diêm trên bàn. – À, đó đúng là một sáng kiến tuyệt diệu. Đêm hôm ấy tôi bị tàn lửa làm thủng mất cái áo.
-          Chị cho phép tôi hỏi một câu nhé?
-          Ôi, anh khách khí quá.
-          Tôi chỉ muốn …- Anh lúng túng không biết nên bắt đầu ra làm sao.
-          Anh cứ hỏi tự nhiên.
-          Chị biết không… lần ấy…trong đêm, bên đống lửa ấy mà…khi chúng ta ngồi bên ngọn lửa…
-          Khoan đã, tôi nhớ ra rồi,- chị nói khi thấy anh im bặt, - tôi nhớ là lần ấy chúng ta có khiêu vũ.
-          Vâng…nhưng lần ấy, bên đống lửa…lần ấy…có phải là chị đã từng thích tôi không?

 
Chị nhìn anh. Người đàn ông đang ngồi trước mặt chị trước kia là bạn học của chị. Chắc chắn những câu chuyện xảy ra bên đống lửa hồi ấy phải tuyệt diệu lắm. Chị không còn nhớ được là trong đêm ấy chị đã khiêu vũ cùng ai. Nhưng chắc là buổi khiêu vũ ấy phải vui lắm. Sau đêm ấy chị còn dự bao nhiêu đêm liên hoan khác nữa. Kỷ niệm này chồng lên kỷ niệm kia. Cái ở dưới cùng chị không sao nhớ được.

 
Nhưng chị vẫn nhớ cái dáng anh đứng tỳ tay lên ghi đông xe đạp ở ngay dưới cửa sổ nhà chị. Anh đứng và ngước lên nhìn. Sự ngưỡng mộ ấy thật là cảm động.

 
-          Hồi đó chị có thích tôi không? – Anh khẽ khàng hỏi lại chị một lần nữa.

 
Chị gật đầu.
-          Cảm ơn, -anh nói nhỏ. – Cảm ơn chị.

 
Một lát sau họ chia tay nhau. Suýt nữa thì anh bị lỡ mất bài phóng sự. Trong đầu anh vẫn vang lên hai tiếng “ cảm ơn”.

 
Nhưng mình cảm ơn chị ta về cái gì cơ chứ? Anh đạp chân lên pê đan xe đạp và kinh ngạc về câu nói ban nãy của mình. Thôi, lần sau mình phải tránh xa cái khu nhà nghỉ này, - anh tự trừng phạt mình.

 
Nhưng niềm vui đang nhen lên trong lòng mình thì anh không thể lẩn tránh được. Thế rồi khi đi qua cánh đồng, nơi có những người đàn bà đang làm lụng, anh bỗng cảm thấy có một cái gì mà trước đây anh chưa hề cảm thấy. Một cái gì đó rất cụ thể mà anh không giải thích được đã bắt đầu nảy nở trong anh.

 

 

 
Lương Duyên Tâm dịch

 

 
(Rút từ tập truyện ngắn Thế giới tràn đầy tình yêu của nhà văn Séc Eduard Petiska, Lương Duyên Tâm dịch từ nguyên bản, Nhà xuất bản Văn học, năm 1998)

-           

 

No comments:

Post a Comment