Saturday, August 20, 2022

Trần Thị Nhơn BẮT ĐẦU TỪ MỘT CHIỀU THU

Bắt đầu từ một chiều thu Từ nơi ấy một phong thư bay về Lời anh tha thiết say mê Nói cùng em lúc bốn bề lặng im Lời anh như đón như tìm Như phân vân lại như còn thanh minh Em nghe tiếng đập tim mình Tiếng trong lẫn với tiếng chìm lo âu Ở đâu anh đang ở đâu? Rừng biên giới tím một màu xa xôi Bắt đầu chỉ có thế thôi Thế rồi anh đã nói lời yêu em Cho em làm tán lá êm Che cho giấc ngủ anh mềm bóng cây Cho em làm giếng nước đầy Đợi chờ anh giữa những ngày hành quân Cho em làm cả mùa xuân Mở muôn búp lá thì thầm ru anh. Báo Văn nghệ số 10, 6/3/1982

Thursday, August 4, 2022

Trần Thị Nhơn CHIA TAY TRONG ĐÊM MÙA HẠ

Một tối mùa hè anh gõ cửa phòng em Rồi đứng đợi dưới hàng cây sẫm tối Em mở cửa lá rèm bay bối rối Lần đầu tiên hò hẹn trong đời Đi giữa phố đông em ngỡ phố không người Không tiếng xe đi không xạc xào tiếng lá Chỉ có tiếng những ngón tay anh thủ thỉ Với bàn tay em - chiếc lá non mềm Đêm không trăng không gian rộng vô cùng Cây phượng đứng lá cành chao trước gió Trong đêm tối thoáng một chùm hoa đỏ Và những lời từ biệt cháy trên môi Ngày mai, ngày mai anh đã đi rồi Anh đến chốn biên thùy còn âm vang tiếng súng Để lại nơi đây một đêm hè xáo động Và một chùm hoa đỏ chói sắc mong chờ Em trở lại phòng em cánh cửa khép hờ Khung cửa sáng dưới vòm cây sẫm tối Cơn gió thoảng ngọn đèn đường chao vội Phố không người hàng cây hát miên man. Nguồn: Báo Văn Nghệ số 10 (905), Thứ bảy, 7/2/1981.

Bài thơ MÙA YÊU DẤU CỦA TRẦN THỊ NHƠN

MÙA YÊU DẤU Bắt đầu là tiếng bầy chim Giữa ngày xuân ấy như tìm gọi em Tiếng chim náo động sau rèm Bất ngờ thức tỉnh bao niềm tin yêu Bắt đầu từ một buổi chiều Trên con đê rộng rất nhiều cỏ may Cầm bông cúc dại trên tay Thấy mùi hương lạ bay đầy không gian Trời xanh xanh đến bàng hoàng dòng sông lặng chảy mênh mang sắc hồng Nói cùng em cánh buồm căng Nói cùng em sắc hoa vàng ven đê Rằng mùa xuân đã trở về Cắt ngang cuộc sống bộn bề lo toan Hoa mùa xuân nở hồn nhiên Sáng bừng lên suốt dọc triền đê cao Mùa xuân như thể mời chào Sắc xuân xanh đến nôn nao lòng người Mùa xuân quyến rũ mãi thôi Mùa xuân thầm thỉ những lời vân vi Thế rồi em đã ra đi Em chia tay với những gì thân quen Và em đã gặp được anh Tình ta không hẹn mà thành nhân duyên Bắt đầu từ đấy mùa xuân Thành mùa yêu dấu muôn phần trong em. Nguồn: Tuyển thơ tác giả nữ Việt Nam, Nhà xuất bản Phụ nữ, năm 2000.

Friday, August 14, 2020

Cuộc hành trình tới các di sản của Hàn Quốc

Cuộc hành trình tới các di sản của Hàn Quốc Cách đây hơn 10 năm, khi dự một cuộc hội thảo ở Seoul, đồng nghiệp Hàn Quốc dẫn chúng tôi thăm các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh. Nhờ chuyến đi, tôi có cơ hội hiểu thêm về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa... tại xứ sở này. Địa danh lịch sử đầu tiên mà các bạn Hàn Quốc dẫn chúng tôi đến là cố đô Gyeongju, nơi có thời là thủ đô của vương quốc cổ Shilla. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Gyeongju giờ đây là một thành phố với hơn 260.000 dân, cách thủ đô Seoul gần 400 km, không xa thành phố Ulsan, nơi tọa lạc nhà máy chế tạo ôtô thuộc hàng lớn nhất thế giới của tập đoàn Hyundai. Đồng thời, nơi đây cũng khá gần thành phố cảng Pohang, nơi có nhà máy cán thép khổng lồ của Công ty thép POSCO. Sau khi thăm nhà máy chế tạo ôtô của Hyundai ở Ulsan và nhà máy cán thép của POSCO ở Pohang, chúng tôi lên đường tới Gyeongju. Điểm đến đầu tiên của chuyến du hành tới các di tích lịch sử thuộc cố đô Gyeongju là khu lăng mộ của vua chúa vương quốc Shilla. Trước mắt chúng tôi là những ngôi mộ đất khổng lồ hình vòm, phủ cỏ xanh, có đường kính vài chục mét, bên trong chôn hài cốt của các vị vua chúa và hoàng tộc thời Shilla. Người ta từng khai quật các nấm mồ này để lấy mẫu vật nghiên cứu, sau đó chôn lại như cũ. Khi nhìn các nấm mộ đất như những quả đồi mọc đầy cỏ xanh nằm im lìm trong cái nắng đầu thu, trong đầu tôi như hiện ra quá khứ huy hoàng của vương quốc Shilla. Triều đại này từng nổi lên thành một thế lực mạnh, thống nhất được gần như toàn bộ bán đảo Triều Tiên, đạt tới đỉnh cao quyền lực vào phồn vinh vào giữa thế kỷ thứ 8 sau công nguyên, sau đó suy yếu dần. Cuối cùng, năm 935, vua Shilla đành phải trao lại quyền bính cho vua Taejo, người lập ra vương quốc mới Koryo. Nhờ một loạt di tích như lăng mộ vua chúa, đền chùa và thành quách đổ nát, Gyeongju đã trở thành địa điểm du lịch hàng đầu Hàn Quốc, mỗi năm thu hút tới hơn 9 triệu du khách trong nước và quốc tế. Chúng tôi bắt đầu chuyến hành trình di sản bằng cách thăm bảo tàng quốc gia Gyeongiu. Tại đây, người ta trưng bày các món đồ tạo tác thời Shilla, thu được từ các cuộc khai quật các ngôi mộ ở Gyeongju và các khu vực lân cận, trong đó có cả một hiện vật đặc biệt quý giá, đó là chiếc vương miện bằng vàng và vô số châu báu khác. Ở phía bên ngoài tòa nhà bảo tàng có đặt một chiếc chuông lớn, bằng đồng, có tên tiếng Anh là Emille Bell. Đây là cái chuông lớn nhất Hàn Quốc, đúc năm 771. Nghe nói, nếu chiếc chuông khổng lồ này được đánh lên trong những đêm trời quang, mây tạnh thì âm vang của nó có thể lan xa tới 40 dặm. Người Hàn Quốc rất tự hào về quá khứ của dân tộc mình và họ rất có ý thức trong nỗ lực truyền lại cho các thế hệ con cháu đời sau niềm tự hào đó. Hôm đến thăm bảo tàng quốc gia Gyeongju, chúng tôi gặp một nhóm học sinh tiểu học đang có giờ ngoại khóa. Nhìn những đứa trẻ bảy, tám tuổi, khỏe mạnh, má đỏ bồ quân, vai khoác những chiếc ba lô nhỏ xíu, tay cầm cuốn sổ tí hon và cây bút chì, đang hí hoáy ghi chép, tôi rất khâm phục cách dạy sử của các thầy cô giáo Hàn Quốc. Còn gì thú vị hơn đối với các em mỗi khi học về một triều đại hay một vị vua nào đó, mà lại được chứng kiến tận mắt chiếc vương miện bằng vàng và các thứ đồ đạc khác của nhà vua! Chắc chắn các kiến thức lịch sử cùng với kỷ niệm của chuyến tham quan sẽ được các em ghi nhớ mãi. Sau khi rời bảo tàng quốc gia Gyeongju, chúng tôi lên đường tới thăm ngôi chùa Bulguksa, một kiệt tác kiến trúc của Hàn Quốc đã được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đưa vào danh sách Di sản văn hóa thế giới hồi năm 1995. Đây là ngôi chùa làm bằng đá, có nhiều đường nét hài hòa, được xây dựng năm 535 và mở rộng thêm vào năm 751. Trải qua các biến động của lịch sử, có thời Bulguksa bị phá hủy gần như hoàn toàn. Mãi đến cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970, ngôi chùa mới được phục chế lại với vẻ lộng lẫy như ngày hôm nay. Nghe nói, toàn bộ các cột đá của ngôi chùa là nguyên gốc. Theo lời người hướng dẫn viên du lịch thì Bulguksa là một trong những ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng ở Hàn Quốc. Rất nhiều người dân nước này đã không ngại đường xá xa xôi để tới đây cầu nguyện. Hôm chúng tôi đến thăm Bulguksa, trong đền có ba vị sư đang tụng kinh gõ mõ, cạnh họ là vài người hành hương đang khấn vái. Tôi để ý đến một phụ nữ Hàn Quốc, dáng vẻ quý phái, đang cần mẫn cầu nguyện. Cái cách người đàn bà này khấn vái khá đặc biệt. Chị ta nằm phủ phục xuống tấm thảm trước mặt, sau đó đứng lên, rồi lại nằm phủ phục xuống thảm, cứ thế, lặp đi lặp lại hàng nghìn lần. Sở dĩ tôi đoán “hàng nghìn lần” là vì sau khi đã thăm viếng hết các công trình kiến trúc rải rác xung quanh ngôi chùa Bulguksa, khoảng một tiếng đồng hồ sau, quay trở lại chúng tôi vẫn thấy người phụ nữ tiếp tục khấn vái. Tôi chợt nghĩ, nếu Đức Phật cũng có trái tim dễ mủi lòng như con người, chắc Ngài sẽ đáp ứng nguyện vọng của chị. Rời Gyeongju, chúng tôi trở về thủ đô Seoul để hôm sau thăm cung điện Deoksugung. Cung điện này nằm ở trung tâm Seoul, gần tòa Thị chính, được bao bọc bởi một bức tường, cạnh đó là các dãy phố với lòng đường lát bằng đá cục mài nhẵn. Xem lời giới thiệu, tôi được biết, cung điện Deoksugung được vua Taejo, vị vua đầu tiên của triều đại Joseon xây dựng năm 1394. Sau đó nó được các đời vua kế vị mở rộng thêm. Năm 1553, cung điện bị cháy rụi do một trận hỏa hoạn lớn, nhưng một năm nó sau đó nó lại được xây dựng lại. Trong thời gian Nhật Bản xâm chiến Hàn Quốc, từ năm 1592 đến năm 1598, cung điện Deoksugung bị cháy một lần nữa và lại được trùng tu vào năm 1867, trở nên rộng lớn và hoành tráng hơn. Trong thời kỳ Nhật Bản xâm chiếm bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến 1945, một số công trình kiến trúc trong cung cung điện Deoksugung bị tàn phá. Bắt đầu từ năm 1989, Chính phủ Hàn Quốc tiến hành chương trình tái tạo lại các cấu trúc bị phá hủy và sau rất nhiều nỗ lực của các chuyên gia phục chế, cung Deoksugung có được vẻ đẹp huy hoàng như ngày hôm nay. Chặng cuối cùng của cuộc hành trình khám phá các di sản Hàn Quốc của chúng tôi là bảo tàng quốc gia ở Seoul. Đây là một bảo tàng lớn, thu hút rất nhiều khách tham quan. Số lượng mẫu vật trưng bày tại đây nhiều đến mức khiến chúng tôi choáng ngợp. Rất tiếc, vì ít thời gian nên chúng tôi không thể xem hết các mẫu vật và cũng không thể lĩnh hội hết chiều sâu lịch sử cũng như các thành tựu văn hóa, nghệ thuật và khoa học kỹ thuật của người Hàn Quốc. Tại bảo tàng quốc gia Seoul, chúng tôi lại gặp một đoàn học sinh đang có giờ ngoại khóa, nhưng lần này là học sinh trung học chứ không phải tiểu học. Nhìn các cô cậu thanh, thiếu niên ở tuổi mới lớn, vẻ mặt nghiêm túc, chăm chú xem xét các mẫu vật và ghi chép tỉ mỉ những gì mình vừa nhận biết vào một cuốn sổ, tôi đoán chắc các em rất tự hào về quá khứ của cha ông mình và, đối với các em, môn sử chắc là môn học hấp dẫn. Dân tộc Hàn có quá trình lịch sử bi tráng. Họ đã từng phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh, cả nội chiến lẫn chống ngoại xâm, đã từng bị chia cắt, sau đó thống nhất và cuối cùng lại bị chia cắt. Để có được nền hòa bình và các thành tựu về kinh tế và khoa học như hôm nay, người Hàn đã phải đổ rất nhiều máu, mồ hôi và nước mắt. Thực ra, còn một di sản nữa mà chúng tôi đã tiếp cận được trong một tuần lễ sống ở Hàn Quốc, đó là phong cách sống và nền văn hóa đặc sắc của người Hàn. Chính di sản này đã làm nên bản sắc Hàn Quốc. Sau này, khi đã rời Hàn Quốc, tôi vẫn còn nhớ mãi cảm giác thanh bình khi ở bên trong một ngôi nhà nông thôn truyền thống, ăn bữa cơm giản dị trong bầu không khí thân tình, ấm áp được tạo ra bởi lòng hiếu khách của người Hàn và cả bởi hơi ấm tỏa ra từ hệ thống sưởi đối lưu đặc biệt dưới sàn các ngôi nhà của họ. Mùi vị đặc trưng của các món ẩm thực, đặc biệt là món kim chi và món rong biển khô, cũng khiến tôi không thể nào quên. Nghệ thuật dân gian cũng là một di sản quý của người Hàn Quốc. Tôi vẫn còn nhớ mình đã cảm thấy xúc động như thế nào khi xem màn trình diễn múa trống của các vũ công tại nhà hát dân tộc Seoul. Trong màn múa trống ấy, các cô gái xinh đẹp, tóc búi cao, mặc hanbok, dường như đã làm cho bầu không khí của nhà hát nóng lên bởi các động tác đánh trống dồn dập, điêu luyện. Cảm xúc của chúng tôi lên đến cao trào khi thưởng thức bài hát Arirang, do một một nữ ca sĩ biểu diễn. Tôi dường như đã xúc động đến lặng người đi khi nghe cô ca sĩ có giọng hát rất khỏe kết thúc bài hát. Arirang là bài hát Hàn Quốc hay nhất mà tôi được nghe. Mặc dù không biết tiếng Hàn nhưng nghe giai điệu réo rắt của nó và nhìn nét mặt đầy biểu cảm của người nữ ca sĩ. Tôi biết, nội dung của bài hát nói về cuộc tình trắc trở, nỗi mong mỏi, nhớ thương của người phụ nữ đối với người đàn ông mà cô yêu dấu. Bài hát mang tâm trạng u buồn, đau khổ, như thể được cất lên từ trái tim rớm máu. Một tuần lễ trôi nhanh. Mặc dù còn rất nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử của Hàn Quốc mà chúng tôi chưa tới thăm được, nhưng những gì đã trải nghiệm cũng đủ khiến tôi yêu mến và khâm phục dân tộc này. Buổi sáng ngày cuối cùng ở Hàn Quốc, trên chiếc máy bay vừa cất cánh khỏi sân bay Kimpo, tôi nhìn xuống bên dưới thấy dòng sông Hàn như một vệt xanh mờ uốn khúc giữa thành phố Seoul lấp lánh nắng, xa xa là núi non trùng điệp. Tạm biệt Seoul, tạm biệt Hàn Quốc. Cảm ơn những người bạn Hàn hiếu khách đã dành cho chúng tôi một cuộc hành trình thú vị và bổ ích. Lương Duyên Tâm https://vnexpress.net/cuoc-hanh-trinh-toi-cac-di-san-cua-han-quoc-3031468.html

Bao nhiêu nước đã chảy dưới cầu Karluv

 Bao nhiêu nước đã chảy dưới cầu Karlův 


Từ ngày có phần mềm Street View tôi thường dùng nó để đi “đi thăm” những nơi mình đã từng sống hoặc từng đi qua để xem những nơi ấy thay đổi thế nào sau bao nhiêu năm xa cách. Tôi cũng đến những nơi tôi chưa từng tới bao giờ. Nơi tôi thường ghé thăm nhất là khu vực châu Âu, đặc biệt là Cộng hòa Séc và Cộng hòa Slovakia, trước đây là nước Tiệp Khắc, vì đó là đất nước  tôi từng du học thời tuổi trẻ. Hai nước này có bản đồ Street View rất chi tiết. Không chỉ các con đường quốc lộ, tỉnh lộ mà cả những con đường làng, thậm chí các con đường nhỏ băng qua các cánh đồng cũng có trên Street Views. 



Petřiny


Nơi tôi thường hay trở lại thăm thú nhất là khu vực Petřiny, nơi có kolej Větrník Jih, ký túc xá tôi đã sống suốt những năm học đại học ở Praha đầu thập niên 1970. Đây là khu giáp ranh giữa nội thành và ngoại thành, là nơi có ga đầu tiên của tàu điện số 1 và số 20. Petřiny giống như tất cả những khu đô thị mới ở Praha khác, có những dãy nhà cao tầng được xây dựng theo quy hoạch để sao cho về tổng thể có đủ không gian cho nhà ở, trường học, nhà trẻ, khu sinh hoạt cộng đồng, bệnh viện, siêu thị, nhà hàng, các con đường, các công viên, các bãi cỏ và cả các khu vườn trồng cây ăn quả. Ở Petřiny có rất nhiều khu vực chỉ để trồng cây xanh và để cỏ mọc nên rất thoáng mát. Tôi đặc biệt thích những khu vườn trồng táo, lê, anh đào và các bãi cỏ. Mùa xuân, hoa anh đào và hoa táo, hoa lê nở trắng một góc trời. Các bãi cỏ thì chi chít những bông hoa cải dại và cúc dại, Những ngày nắng, cỏ ở đây có mùi thơm rất quyến rũ. Người ta dùng máy xén cỏ cắt ngắn những đám cỏ dài, phơi khô, vun thành từng đống, rồi chuyển đi đâu không rõ. Cho đến tận giờ tôi vẫn còn nhớ mùi hương dịu ngọt của cỏ tươi phơi nắng ở Větrník. Mùi hương ấy làm tôi liên tưởng tới tuổi thơ của mình ở một làng quê thuộc tỉnh Thái Bình. Thuở ấy, bọn trẻ con cùng tuổi tôi thường đi tìm những nhánh cỏ mật, phơi cho chúng héo đi, bỏ vào túi áo, để thỉnh thoảng hít hà mùi thơm của nó. Buổi chiều, bọn sinh viên Việt Nam chúng tôi thường chơi bóng đá trên các bãi cỏ cạnh ký túc xá cho đến tối mịt. 

Petřiny, trường Karlova Univerzita có hai ký túc xá. Ký túc xá Větrník Jih dành cho nam và ký túc xá Větrník Sever dành cho nữ. Ban đầu khu này không có nhà ăn sinh viên. Những người lười nấu ăn thường phải đi ăn ở những nơi cách chỗ ở tới vài cây số. Sau này người ta xây thêm nhà ăn sinh viên, gọi là menza, nên mọi người không phải đi xa nữa. Nhìn lên bản đồ, tôi thấy giờ đây Větrník có một số thay đổi. Ký túc xá Větrník Jih bây giờ gọi là Kolej Hvezda. Còn ký túc xá Větrník Sever thì đổi tên thành Kolej Na Větrníku. Kolej Hvezda giờ có thêm 3 tòa nhà năm tầng xây nối với khu ngày xưa là nơi xem ti vi và đánh bóng bàn. Ngoài công trình đó, mọi thứ vẫn y nguyên như cũ. Màu sơn tường, các ô cửa kính, thậm chí cả màu rèm cửa vẫn chẳng khác gì ngày xưa. Trong những năm cuối của cuộc đời sinh viên ở Praha tôi ở tại một căn phòng có cửa sổ nhìn ra một cây bạch dương xanh tốt. Hồi đó ngọn cây bạch dương mới chỉ cao hơn tầng hai một chút. Đêm khuya, gió thổi tán lá bạch dương xào xạc, gợi cảm xúc rất khó tả. Nay thì cây bạch dương ấy đã thành cổ thụ rồi. Ngọn của nó đã vươn lên tới tầng năm. Nó cứ sống đời bạch dương như thế, mùa đông trụi lá, mùa hè tốt tươi, mặc kệ những biến cố chính trị long trời chuyển đất diễn ra ở Tiệp Khắc, mặc kệ các thế hệ sinh viên như chúng tôi đến rồi lại đi. 

Cạnh ký túc xá có một vườn cây ăn quả và một nghĩa trang nho nhỏ. Cái tên Větrník có lẽ khởi nguồn từ một cơ sở xay lúa mì chạy bằng sức gió. Không biết chủ sở hữu vườn cây này là ai mà tôi chẳng thấy họ thu hoạch bao giờ.  Dường như người ta trồng cây là để cho đẹp cảnh quan và để có quả cho chim ăn và khách bộ hành thưởng thức. Tôi đã từng nhiều lần thử nếm anh đào, táo và lê ở đây. Táo thì hơi chua nhưng anh đào và lê thì rất ngọt. Nghĩa trang nhỏ đã từ lâu người ta không chôn người chết nữa, nhưng tôi để ý thấy luôn có người thăm viếng và đặt hoa. Đi quá nghĩa trang một chút về phía con đường đi lên đồi Strahov là tu viện nam Brevnovsky. Trong một lần đi lang thang quanh các khu vực gần ký túc xá, tôi đã từng tìm cách vào thăm quan tu viện này vì thấy nó rất rộng lớn và có kiến trúc đẹp, nhưng tôi không vào được bên trong vì lúc đó nó đã được trưng dụng làm trụ sở của một cơ quan mà sau này tôi được biết đó là sở mật vụ, chuyên theo dõi những nhân vật bất đồng chính kiến thời chiến tranh lạnh. Bây giờ thì người ta đã mở cửa tu viện Brevnovsky cho khách du lịch vào tham quan rồi. Đó là một trong số rất nhiều danh thắng ở Praha.

Větrník mùa nào cũng đẹp. Mùa đông tuyết phủ trắng xóa các bãi cỏ và các lối đi. Thật thú vị khi ngồi trong các căn phòng có lò sưởi ấm áp, nhấm nháp ly trà nóng, nhìn ra ngoài trời lất phất tuyết rơi, tai nghe văng vẳng những bài hát của ca sĩ huyền thoại Karel Gott. Mùa hè, nắng vàng trải trên các con đường và các bãi cỏ nhưng trong bóng dâm không khí vẫn mát mẻ lạ thường. Buổi chiều, nắng chưa tắt nhưng gió đã lộng. Một bầu không khí thoáng đãng tràn ngập mùi hương cỏ cây bao phủ cả vùng. Thật là một nơi lý tưởng để sống. Không chỉ Petriny, Praha có hàng trăm nơi như thế. Đó là những nơi tận cùng của các chuyến tàu điện. Nơi giáp ranh giữa nội và ngoại thành. Nơi nhà cửa chưa nhiều và đất đai còn rộng để dành cho cây cỏ. Người ta đã cố giữ vững quy hoạch ban đầu của những khu đô thị này, vì thế sau 50 năm, tại các khu này, dù đất trống rất nhiều nhưng nhà xây thêm rất ít và độ cao của những tòa nhà mới xây cũng không cao hơn độ cao của những ngôi nhà cũ, chỉ khoảng hơn chục tầng là cùng.




Quảng trường Vaclav


Thời còn là sinh viên, hầu như ngày nào chúng tôi cũng đi qua quảng trường Vaclav, theo lộ trình của tàu điện số 20 và số 1 để đến các giảng đường của khoa Toán Lý. Václav là quảng trường sầm uất nhất Praha. Nơi đây, vào mùa hè, khách du lịch đông hơn cả người bản xứ. Quảng trường có nhiều nhà hàng, khách sạn, cửa hàng thời trang, hiệu sách, rạp chiếu phim. Tôi thích rạp chiếu phim nonsntop và đã đến đây xem vài lần. Mỗi ngày rạp chỉ chiếu một bộ phim và nó cứ chiếu đi chiếu lại mãi. Vé thì không có số. Khán giả vào rạp lúc nào cũng được, cứ thấy chỗ nào trống thì ngồi, và xem bao lâu cũng được. Thậm chí nếu buồn ngủ thì vào đấy ngủ cũng không sao. Rạp chủ yếu phục vụ cho khách đợi tàu vì ga xe lửa chính của Praha ở ngay gần đó. Lũ sinh viên chúng tôi mỗi khi phải chờ đến tiết học mới cũng thỉnh thoảng vào xem vì vé rất rẻ. Ở một đầu của quảng trường có Viện bảo tàng quốc gia Séc, cạnh đấy có bức tượng thánh Vaclav ngồi trên lưng ngựa. Sau khi anh sinh viên của trường Karlova Univerzita Jan Palach tự thiêu vào ngày 16-1-1969 để phản đối quân đội Liên Xô chiếm đóng Tiệp Khắc, tại bậc thềm nhà bảo tàng quốc gia Séc có thêm một biểu tượng kỷ niệm nữa, nhỏ hơn, nhằm ghi nhớ hành động của anh. Đó là cây thánh giá bằng đồng nằm trồi lên trên đá lát vỉa hè. Thực ra Jan Palach không phải là người duy nhất tự thiêu ở đó. Tròn một tháng sau đám tang của Palach, một người Séc khác là Jan Jajic, cũng đã tự thiêu ở đúng vị trí này. Báo chí Séc không hề đưa tin về những cái chết của họ, vì thế, mặc dù lúc đó chúng tôi sống ở Praha nhưng không ai biết về chuyện các vụ tự thiêu, mãi sau này, khi đã về nước tôi mới biết. Ở đầu kia của quảng trường là Mustek, nơi đặc biệt sầm uất vì có lối đi vào khu quảng trường Thành Cổ. Vào mùa hè khách du lịch tập trung ở khu này rất đông. Người ta đợi lúc bắt đầu của một giờ mới để quan sát chiếc đồng hồ với các vị thần, nom như những con rối, lần lượt đi qua hai chiếc cửa sổ, quay mặt về phía khán giả như để chào mọi người, rồi sau đó lại đi vào bên trong. Quảng trường Vaclav là nơi thường diễn ra các cuộc biểu dương lực lượng của các phe phái, cả phe ủng hộ nhà cầm quyền lẫn phe chống đối. Thời chiến tranh lạnh, các ngày lễ lao động 1-5, Mustek là nơi các vị lãnh đạo Tiệp Khắc đứng trên lễ đài tươi cười vẫy tay chào đoàn người biểu tình ủng hộ chế độ đương thời. Đoàn học sinh Việt Nam năm nào cũng có mặt trong dòng người đó. Ai cũng hồ hởi bày tỏ niềm vui được góp phần vào không khí vui tươi của ngày lễ lao động mà không hề biết rằng những đợt sóng ngầm đòi tự do đang âm thầm chuyển động trong lòng xã hội Tiệp Khắc. Tháng 8-1969, một cuộc biểu tình khổng lồ với sự tham gia của gần một triệu người nhằm phản đối quân đội nước ngoài chiếm đóng Tiệp Khắc bùng nổ.  Hồi đó, mặc dù không có ý định bày tỏ chính kiến nhưng chúng tôi vì tò mò cũng có mặt trong đám đông với tư cách là những người đi xem sự kiện. Chúng tôi cứ tưởng biểu tình ôn hòa thì không có đàn áp, nhưng chúng tôi đã lầm, các nhà chức trách Tiệp Khắc hồi ấy đã đàn áp dã man những người biểu tình. Ban đầu họ kêu gọi mọi người giải tán, sau đó họ bắn lựu đạn cay làm chảy nước mắt, và cuối cùng, cho đội quân cảnh sát dùng dùi cui vụt thật lưc vào những người biểu tình. Rất nhiều người bị đánh đau, kể cả một người Việt Nam chúng tôi. Anh này giơ tay lên để bảo vệ đầu và vì thế ngón tay anh hứng trọn mấy cú vụt dùi cui như trời giáng của một viên cảnh sát. Vết thương ấy làm anh ấy đau đớn vài tuần mới lành. Cũng nhờ tham gia cuộc biểu tình mà chúng tôi biết lựu đạn cay có mùi vị như thế nào. Hóa ra  nó cay nồng mùi tỏi, mùi ớt, mùi hạt tiêu và mùi mù tạt. Không ai có thể chịu được cái mùi đó dù chỉ vài phút. Chỉ nếm mùi lựu đạn cay có vài chục giây thôi mà chúng tôi ai cũng nước mắt, nước mũi giàn giụa, cổ họng thì bỏng rát, có người sau đó bị viêm họng hàng tuần liền. Trong cuộc cách mạng nhung năm 1989. Quảng trường Vaclav cũng trở thành trung tâm của những cuộc biểu tình. Quảng trường này thật sự là cái hàn thử biểu đo nhiệt độ đời sống chính trị ở Cộng hòa Séc. Nhìn trên bản đồ Google, sau hơn 50 năm, quảng trường Vaclav hầu như không có gì thay đổi ngoài việc các tòa nhà được tân trang lại bên ngoài cho bóng bẩy hơn. Không thấy tòa nhà nào được xây thêm. Chỉ thấy các đường ray tàu điện đã được bóc đi. Bây giờ chỉ còn các chuyến tàu điện đi ngang qua quảng trường chứ không còn các chuyến tàu điện chạy dọc quảng trường như xưa. 



Cầu Karlův 


Praha có nhiều cây cầu. Nhưng đẹp nhất và nổi tiếng nhất là cầu Karlův (Karlův most) . Hầu như ai có dịp đến Praha cũng đều đi qua cây cầu này. Nó là một cây cầu cổ, được xây dựng từ thế kỷ 14 và hoàn thành vào đầu thế kỷ 15, là một trong những cây cầu đá cổ nhất châu Âu. Hai bên lan can cầu có những bức tượng, được điêu khắc công phu theo phong cách nghệ thuật ba rốc. Cầu chỉ cho người đi bộ đi qua nhưng luôn tấp nập từ sáng sớm đến tối mịt. Có nhiều ban nhạc đường phố chơi nhạc phục vụ khách bộ hành. Thỉnh thoảng có người bỏ tiền xu vào những cái mũ hoặc những cái khay trước mặt họ. Đây cũng là nơi các họa sĩ truyền thần vẽ tranh bán cho khách du lịch. Chỉ cần vài chục phút là họ hoàn thành một bức chân dung. Từ ngày có facebook, ai đến Praha cũng muốn có một bức ảnh tự sướng trên cây cầu này để khoe với thiên hạ rằng mình đang có mặt ở trái tim châu Âu. Bao nhiêu nước đã chảy dưới cầu Karluv kể từ ngày chúng tôi rời Praha? Không ai có thể biết được. Cầu Karlův và những khu vực lân cận giờ đây vẫn y nguyên như lúc chúng tôi chia xa. Vài trăm năm nữa cảnh quan có lẽ cũng vẫn như vậy. Không ai có ý định làm cho nó khác đi vì như hiện nay cũng đã quá đẹp rồi. 



Řež


Řež là một cái làng nhỏ nằm bên bờ sông Vltava. Sở dĩ tôi biết đến nó vì Viện nghiên cứu hạt nhân Praha đặt ở đó. Tôi đã làm luận án tốt nghiệp hai năm ở viện này. Thực ra viện nghiên cứu hạt nhân chẳng có gì đáng nhớ. Cái tôi nhớ nhất là những chuyến tàu hỏa đầu máy hơi nước chạy bằng than từ Praha tới Řež. Những chuyến tàu hỏa bụi bặm, cổ lỗ không biết có từ khi nào nhưng rất đúng giờ, đều đặn đưa khách đến từng ga xép một. Řež là một trong những ga xép ấy. Quang cảnh hai bên đường tàu đẹp tuyệt vời, Con sông Vltava uốn lượn làm cho đường tàu cũng uốn lượn theo. Tàu đi khoảng 30 cây số thì đến Řež. Khách xuống Řež hầu hết là nhân viên của Viện nghiên cứu hạt nhân Praha. Họ làm cả ngày, tám tiếng, ở đây. Buổi trưa mọi người ăn ở nhà ăn của viện. Vì viện nằm trong một khu đất rất rộng nên giờ ăn trưa có xe buýt nội bộ đón nhân viên đi ăn, sau đó xe buýt lại đưa họ về từng phân viện. Hóa ra nơi đây cũng đã từng có một người Việt Nam làm việc. Hôm đầu tiên thày giáo hướng dẫn làm luận án hỏi tôi có biết Phạm Khắc Chi không. Thầy nói anh Chi vừa đến viện khoe ảnh cưới vợ. Thời điểm đó anh Chi đã bảo vệ xong luận án và đã về nước rồi. Vừa về nước anh cưới vợ ngay. Sau đó anh sang lại Praha để tiếp nhận món quà nước Tiệp Khắc viện trợ cho Việt Nam: Cung thiếu nhi Hà Nội. Anh Chi sau này mất trong một vụ án mạng bi thảm. Thời đó các vụ giết người kiểu đó không nhiều nên thế hệ tôi hầu như ai cũng biết về cái chết của anh. Nhờ làm luận án ở Viện nghiên cứu hạt nhân Praha tôi mới phần nào hiểu được đời sống và suy nghĩ của người dân Tiệp Khắc. Đa số mọi người muốn sống bình yên nhưng không ít người lúc nào cũng bức xúc bởi tình trạng đất nước bị quân đội nước ngoài chiếm đóng. Họ muốn có được sự tự quyết cho hướng đi của dân tộc mình chứ không muốn bị áp đặt phải đi theo một xu hướng hay chủ thuyết nào đó. Trò chuyện với một kỹ sư, tôi được biết viện phó của Viện nghiên cứu hạt nhân Praha, ông Kvasnica, vì tham gia ký tên vào một tuyên bố gì đó, hình như là bản Tuyên ngôn 2000 từ, nên đã bị vô hiệu hóa quyền lực, tuy vẫn có tên trong danh sách nhân sự của viện nhưng ông không có quyền hành gì, phải làm việc ở nhà chứ không thể đến viện. Řež bây giờ vẫn thế. Vẫn cây cầu sắt nhỏ xinh màu vàng bắc qua sông Vltava dành cho khách bộ hành. Vẫn những cánh rừng và những bãi cỏ xanh. Những nhân viên mà tôi quen biết và đã từng trò chuyện giờ chắc đã nghỉ hưu rồi. Có lẽ giờ đây họ không còn bức xúc nữa vì Cộng hòa Séc đã từ lâu không còn bị áp đặt bởi ngoại bang và đã có một nền chính trị đa nguyên như họ mong muốn. 




Nhà hát Na Vinohradech


Tôi đã từng đi xem kịch nói tại nhà hát Na Vinohradech một lần. Chỉ một lần thôi cũng đủ để tôi nhớ mãi về nó. Praha có hai nhà hát mà tôi thấy khán giả khi đến xem biểu diễn đều mặc y phục trịnh trọng, đó là Nhà hát Quốc gia và Nhà hát Na Vinohradech. Nhà hát quốc gia nằm bên sông Vltava, là một tòa nhà đồ sộ, rất đẹp và rất nổi tiếng, nơi thường trình diễn các vở nhạc kịch và ba lê. Nhà hát Na Vinohradech quay mặt ra Quảng trường Hòa Bình (Namesti Miru), về mặt kiến trúc không đẹp bằng nhà hát Quốc gia nhưng cũng là một tòa nhà rất lớn, với bốn mặt tiền, được xây dựng những năm đầu thế kỷ hai mươi, cách Bảo tàng quốc gia và quảng trường Vaclav chỉ vài trăm mét, là nơi thường chỉ trình diễn các vở kịch nói.

Vở kịch nói tôi từng xem tại nhà hát Na Vinohradech là vở Tên cướp (Loupežník) của kịch tác gia nổi tiếng Séc Karel Čapek. Hôm ấy tôi đi xem kịch cùng anh Thanh, lúc đó đã tốt nghiệp đại học và đang làm việc cho Sứ quán Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Anh đã vượt hơn mười cây số, từ tận đầu bên kia của Praha, khu Hodkovičky, để đến Petriny đón tôi đi xem. Đến rạp hát tôi thấy mọi người ai cũng bận y phục lịch sự. Đàn ông mặc complet, đàn bà mặc áo dạ hội và son phấn kỹ lưỡng. Tôi vẫn còn nhớ người đóng vai tên cướp là diễn viên nổi tiếng Jromir Hanzlik. Mặc dù không hiểu hết nội dung vở kịch nhưng tôi vẫn thấy vở kịch rất hay. Sân khấu trang hoàng đẹp và diễn viên diễn rất lôi cuốn. Anh Thanh có lẽ hiểu vở kịch hơn tôi vì anh học văn học Séc và trước khi xem kịch chắc có đọc các tác phẩm của Karel Čapek, trong đó có vở kịch Loupeznik. Sau mỗi hồi, khán giả lại vỗ tay tán thưởng. Lúc vở kịch kết thúc, khi các diễn viên ra chào khán giả, mọi người đứng dậy vỗ tay rất lâu. Hiếm có nơi nào khán giả lại yêu nghệ thuật như khán giả Praha. Sau này, váo cuối thập niên 1980, tôi có dịch một vở kịch nói của nhà viết kịch người Séc Jri Hubac, vở Dům na nebesích (Ngôi nhà trên thiên đường) ra tiếng Việt. Vở kịch được nhà soạn kịch Jri Hubac viết riêng cho nữ diễn viên Jiřina Bohdalová. Nó đã được công diễn ở nhà hát Na Vinohradech trong những năm giữa thập niên 1980 và là một trong những vở kịch đỏ đèn lâu nhất của nhà hát này. Người đóng vai chính trong vở kịch, vai Klara, chính là Jiřina Bohdalová. Những ai sống ở Praha hồi thập niên 1970 đều biết nữ nghệ sĩ Bohdalová. Người Séc rất yêu quý bà. Trong những dịp lễ tết long trọng bà hay dẫn chương trình và hay tấu hài với diễn viên rậm râu Vladimír Menšík. Một người nữa, cũng đóng một vai quan trọng trong vở kịch này là Jaromir Hanzlik. Anh đóng vai Fanda, Sau khi vở Dům na nebesích được tôi dịch ra tiếng Việt và được Nhà xuất bản Sân khấu phát hành, Ngôi nhà trên thiên đường được một nhóm các nghệ sĩ ở Hà Nội dàn dựng và được công diễn tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác. Đài truyền hình Việt Nam cũng đã quay video và phát sóng vở kịch này vài lần. Tôi vẫn còn nhớ người đóng vai Klara là Thanh Tú, người đóng vai Fanda là Trần Vân, người đóng vai Erika, người yêu của Fanda, là Lê Khanh. Trên mạng Youtub hiện vẫn còn vở kịch nói Dům na nebesích do Jiřina Bohdalová đóng vai chính, với chất lượng hình ảnh không được tốt lắm nhưng xem cũng tạm được. Nhìn trên bản đồ Google, nhà hát Na Vinohradech vẫn hệt như xưa, người ta chỉ sơn lại bên ngoài cho nó lộng lẫy hơn, và nó vẫn được đỏ đèn hằng đêm. Tất nhiên, những diễn viên chúng tôi quen mặt như Jiřina Bohdalová, Jaromir Hanzlik, Miloš Kopecký, Hana Maciuchová đã không còn diễn ở đấy nữa. Người thì đã mất, người đã về hưu rồi.



Mělník


Mělník là một thành phố nhỏ và không có gì liên quan tới tôi nhưng tôi hay dùng phần mềm Street Views để trở lại thăm nó vì đã một lần và, duy nhất lần ấy thôi, tôi đi du lịch một mình tới đó. Thời ấy, như một quy định bất thành văn, sinh viên Việt Nam không ai được đi đâu một mình, kể cả khi nơi đó chỉ cách Praha vài chục cây số. Hôm ấy vào dịp hè, không có việc gì để làm, tôi nảy ra ý định đi du lịch. Tôi nhớ là tôi có rủ vài người nhưng không ai ủng hộ ý tưởng này, vì ai cũng ngại phiền phức và tốn kém. Thực ra cũng chẳng tốn bao nhiêu vì vé xe khách rất rẻ. Bất chấp quy định không được đi xa một mình, tôi quyết định thực hiện chuyến phiêu lưu nho nhỏ: lên xe đi Mělník. Thành phố này rất gần Praha, chỉ cách thủ đô khoảng 35 cây số, nếu đi xe khách thì chỉ khoảng chưa đầy một giờ đồng hồ là tới nơi. Thành phố có diện tích rất nhỏ, đi bộ vài chục phút từ quảng trường trung tâm là đã ra tới ngoại thành.  Tuy nhỏ nhưng Mělník khá đẹp. Các thành phố ở Séc và Slovakia có một đặc điểm giống nhau là tại khu trung tâm thường có một quảng trường nhỏ, ở đó tòa thị chính, có nhà thờ cổ, có những ngôi nhà đẹp mà lịch sử của chúng tới vài trăm năm và đó là nơi khách du lịch tập trung đông nhất. Quảng trường chính của Mělník không rộng lắm. Cách không xa quảng trường là lâu đài Mělník nổi tiếng. Xung quanh lâu đài là những cánh đồng trồng nho. Lâu đài nằm trên một quả đồi cao, phía dưới là ngã ba sông, nơi giao nhau của sông Labe và sông Vltava.  Từ xa dòng sông phẳng lì, trông như một con đường nhựa màu xanh đen. Hai bên sông là những cánh đồng và những cánh rừng xanh tốt. Hôm tôi đến, lâu đài Mělník không đón khách vào tham quan. Vì thế tôi đành giết thời gian bằng cách đi bộ dọc mấy con phố, ngắm nghía mấy tòa nhà cổ, rồi ra bến xe khách mua vé về Praha, kết thúc chuyến du lịch một mình duy nhất trong thời gian học ở Tiệp Khắc. Bây giờ, qua Street View, tôi biết Mělník đang nỗ lực tân trang, nhà cửa được sơn lại bắt mắt hơn. Lâu đài Mělník nghe nói đã được chính quyền trả lại cho chủ cũ. Nó cũng đang được phục chế lại. 




Bardejov


Bardejov là một thành phố nhỏ của nước Slovakia. Nó không liên quan đến tôi nếu tôi không viết thư cho hai cô gái học sinh trung học quê ở đó trong một khoảng thời gian dài. Thời tuổi trẻ tôi hay có những thói quen kỳ quặc. Hồi đó, không hiểu sao tôi thích chơi thân với các bạn nữ ngoại quốc. Để làm gì nhỉ? Chẳng để làm gì cả. Chỉ để viết thư kể cho nhau nghe những chuyện vặt vãnh hàng ngày, thậm chí cả những chuyện mà bây giờ tôi thấy  thật vớ vẩn. Tôi có hai bạn nữ để trao đổi thư từ. Một bạn tên là Anna và một bạn tên là Alzbeta. Bạn Alzbeta thì tôi chỉ gặp một lần, sau đó trao đổi thư từ và không gặp lại nữa, Còn bạn Anna thì sau lần gặp đầu tiên đã từng hai lần bạn đến thăm tôi ở Praha, một lần bạn đi với một cô gái khác và một lần đi một mình. Lần gặp thứ hai vào mùa hè và Anna nằng nặc mời tôi về Bardejov quê bạn chơi. Khi tôi thoái thác, nói là có việc bận ở Praha, không đi được, thì bạn ghi địa chỉ nhà bạn cho tôi và bắt tôi hứa sẽ đến thăm khi có dịp. Không có cách nào khác, tôi đành hứa đại và sau đó thất hứa, để rồi gần năm mươi năm sau tôi chỉ còn cách đến thăm nhà bạn bằng Street View. Thực ra, việc tôi viết thư cho các cô gái Slovakia một phần vì thấy nó hay hay, một phần vì bị ảnh hưởng của cuốn tiểu thuyết “Dopisy pro Jaszka” (“Những bức thư gửi Jaszek”) của nữ văn sĩ Séc Ludmila  Freiova. Đó là cuốn tiểu thuyết dành cho lứa tuổi mới lớn, kể về tình bạn (qua những lá thư) giữa một cô gái Séc đang học trung học tên là Alka và một chàng trai người Ba Lan tên là Jaszek. Nghĩ cũng buồn cười. Chẳng biết có phải tôi bị hội chứng dậy thì muộn hay không mà hồi đó, khi đã hai mươi mấy tuổi rồi, tôi vẫn còn thích đọc những cuốn sách dành cho tuổi mới lớn, ở miền Nam Việt Nam gọi là sách mực tím. Cuốn tiểu thuyết cho tôi cảm hứng để tôi trao đổi thư từ với hai cô nữ sinh trung học Slovakia suốt mấy năm trời. Đó không phải là tình yêu trai gái. Đó chỉ là những rung động đầu đời của những đứa trẻ ngây thơ. Trong hai cô thì Alzbeta chỉ là bạn thông thường, còn Anna thì có lúc hơi vượt quá tình bạn một chút. Lần cô ấy một mình đến thăm tôi ở Praha, hôm tôi  tiễn cô ấy về Bardejov, trên sân ga, lúc tàu sắp chuyển bánh, cô ấy đột nhiên ôm lấy tôi và hôn thắm thiết. Thú thật, đó là cái hôn đầu tiên trong đời tôi nhận được từ một phụ nữ. Cũng nhờ cái hôn đó mà tôi ghi nhớ mãi dòng địa chỉ cô gửi cho tôi để rồi sau này tôi tìm thấy nhà cô nhờ công cụ Street View. Đó là một cái nhà bình dị như tất cả những cái nhà bình dị khác ở Bardejov. Còn Anna, giờ này cô ấy ở đâu? Làm sao tôi có thể biết được. Street View chỉ có thể cho tôi thấy một ngôi nhà chứ không có chức năng mô tả số phận các cá nhân ở trong đó. Nếu tình cờ có chụp được ảnh họ thì Google cũng buộc phải làm nét mặt họ mờ đi. Tôi tin là giờ đây Anna có cuộc sống hạnh phúc vì cô ấy rất vui tính, hòa đồng và lúc nào cũng lạc quan, yêu đời.


Lương Duyên Tâm


Monday, November 3, 2014

Vườn rau trên sân thượng mùa thu


Vườn rau trên sân thượng mùa thu

 

Mùa thu. Gió heo may về. Hà Nội bắt đầu trở lạnh. Vườn rau sạch trên sân thượng nhà tôi không còn xanh tốt như hồi mùa hè. Những cây đay trắng đã ra hoa, rau muống sắp tàn. Chỉ có rau cải và rau xà lách là hợp với khí hậu lạnh nên vẫn phát triển, đủ cung cấp rau cho cả nhà. Với những người trồng rau canh tác trên những mảnh vườn nho nhỏ trên sân thượng như chúng tôi, thời tiết năm nay được coi là thuận hòa vì trời ít mưa, nhiều nắng…







Nhớ những hàng cây ngân hạnh trên đường phố Seoul


Nhớ những hàng cây ngân hạnh trên đường phố Seoul


Nhờ một chuyến công tác Hàn Quốc vào mùa thu, nên tôi may mắn được tận mắt chứng kiến vẻ đẹp huyền ảo của Seoul mùa cây thay lá. Sau này, khi đã rời Hàn Quốc, điều làm tôi nhớ nhất là những con đường với những hàng cây ngân hạnh thơ mộng của Seoul.

Hàn Quốc có bốn mùa xuân hạ thu đông rõ rêt, mùa nào cũng đẹp, nhưng đẹp nhất là mùa thu. Vào mùa này, thời tiết bắt đầu se lạnh, bầu trời xanh ngắt, không khí trong lành, thoáng đãng, khiến tâm trạng con người thư thái, nhẹ nhõm. Do thời tiết bắt đầu chuyển lạnh nên lá của một số loài cây đổi màu từ xanh sang vàng, hoặc đỏ, tạo ra cho đất nước này một cảnh quan tuyệt đẹp.

Tôi vẫn còn nhớ mình đã ngạc nhiên như thế nào khi nhìn thấy hai hàng cây ngân hạnh và phong lá đỏ trên con đường Deoksugung-gil gần cung điện Deoksugung. Buổi chiều hôm ấy, trong cái nắng vàng hoe của chiều thu chớm lạnh, tôi thấy hai hàng cây ngân hạnh và phong lá đỏ bên bức tường đá bao quanh cung điện Deoksugung như sáng bừng lên. Đó thực sự là một quang cảnh ngoạn mục và huy hoàng nhất mà tôi được thấy trong đời.

Những hàng cây ngân hạnh ở Seoul dường như đã tạo nên hồn cốt thành phố này. Vẻ đẹp của chúng thật đặc biệt. Ngân hạnh có mặt ở khắp nơi trong thành phố. Ngoài con đường bao quanh cung điện Deoksugung, tại rất nhiều đại lộ và cả những dãy phố nhỏ trong thành phố người ta cũng trồng loài cây này. Cả con đường ven sườn núi Nam San cũng có nhiều cây ngân hạnh. Từ dưới chân núi nhìn lên tôi thấy, lác đác trong mảng màu xanh thẫm của rừng thông là các mảng màu vàng tươi của những hàng cây ngân hạnh và màu đỏ rực của những cây phong, nom chẳng khác gì một bức tranh màu nước.

Tại một số nước Á Đông, ngân hạnh được coi là loại cây linh thiêng. Người xưa thường trồng ngân hạnh trong khuôn viên các đền chùa. Thành phố Tokyo của Nhật Bản còn lấy lá ngân hạnh làm biểu tượng chính thức, tượng trưng cho hòa bình và thịnh vượng. Tại Seoul, tuy ngân hạnh chưa được coi là biểu tượng của thành phố, nhưng tôi thấy nó gần như là linh hồn của thủ đô Hàn Quốc. Bởi vì, nếu thiếu những hàng cây ngân hạnh, Seoul sẽ trở nên đơn điệu hơn và chắc chắn sẽ mất đi rất nhiều nét quyến rũ.

Sở dĩ cây ngân hạnh có nhiều ở Seoul vì 43 năm trước, năm 1971, chính quyền Hàn Quốc đã quyết định chọn ngân hạnh làm loài cây chính của thành phố này. Có những thời điểm ngân hạnh chiếm tới 47 phần trăm số lượng cây trồng mới. Hiện tỷ lệ trồng cây ngân hạnh tuy đã giảm một phần để đa dạng hóa cây xanh trong thành phố, nhưng vẫn chiếm hơn 40 phần trăm. Với tỷ lệ cao như vậy nên người ta thấy ngân hạnh có mặt khắp nơi, tạo ra tông màu chủ đạo của Seoul mỗi độ thu về. Tôi đã từng đọc một bài báo viết về cây ngân hạnh ở Seoul, trong đó tác giả dẫn lời ông Yoo Ji Yong, một quan chức phụ trách vấn đề cây xanh của chính quyền thành phố nói rằng, trong số khoảng 284.000 cây xanh trên đường phố Seoul có tới 28.500 cây ngân hạnh.

Không chỉ tỏa bóng mát và tạo cho Seoul một vẻ đẹp lãng mạn lúc thu về, khiến nhiều du khách mê mẩn, cây ngân hạnh, cùng với cây phong lá đỏ, còn làm nền cho nhiều bộ phim trữ tình Hàn Quốc. Tôi vẫn còn nhớ một bộ phim nhựa nhan đề  “Giáng sinh tháng tám” mà tôi được xem cách đây vài năm. Đó là một câu chuyện tình buồn. Rất nhiều khán giả đã rơi nước mắt khi xem bộ phim này. Khi đến Hàn Quốc, nhìn thấy những hàng cây lá vàng, tôi bỗng nhớ đến cảnh hai nhân vật chính chở nhau trên chiếc mô tô, tại con đường hai bên có nhiều cây ngân hạnh.

Những hàng cây ngân hạnh đứng một mình trên phố đã rất đẹp rồi. Thế nhưng nếu nó được trồng xen kẽ với những cây phong lá đỏ thì cảnh quan còn đẹp gấp bội phần. Tôi đã chứng kiến điều kỳ diệu này khi đi trên con đường huyền thoại ven bức tường thành cung điện Deoksugung vào mùa thu. Bên tông nền xám thâm trầm của bức tường đá, những cây ngân hạnh và những cây phong lá đỏ mang một một vẻ đẹp đặc biệt. Tôi có thể cả quyết rằng, bất cứ du khách nào khi đi dưới những tán cây ngân hạnh và phong lá đỏ đó trong bầu không khí thanh khiết của mùa thu cũng đều xúc động như tôi. Con đường Jeongdong-gil không chỉ chiếm được trái tim du khách, mà còn chinh phục được cả các quan chức thành phố Seoul. Năm 1999, chính quyền thành phố này đã chọn Jeongdong-gil là “Con đường đi bộ đẹp nhất”.

Jeongdong-gil không chỉ là con đường đẹp mà còn là con đường lịch sử. Trong thời kỳ vua Joseon trị vì, khu vực này là nơi sinh sống của các quan lại ngành tòa án và tầng lớp quý tộc. Đến cuối thế kỷ 19, nó trở thành nơi cư ngụ của người phương tây, chủ yếu là các nhà truyền giáo và nhà ngoại giao. Ngày nay khu vực xung quanh đường Jeongdong-gil vẫn là nơi có nhiều người nước ngoài sinh sống và làm việc.

Trí nhớ của con người thật kỳ lạ. Nhiều năm trôi qua, nhưng giờ đây, mỗi khi nhắc đến Hàn Quốc, trong tâm trí tôi lại hiện lên những con đường vàng ươm màu lá cây ngân hạnh. Nếu có ý định đi du lịch Hàn Quốc, bạn hãy đến Seoul vào mùa thu để trải nghiệm điều kỳ diệu của mùa thu nước này. Và bạn hãy một lần dạo bước trên con đường Deoksugung- gil gần cung điện Deoksugung, để cảm nhận bầu không khí yên bình dưới vòm lá rực rỡ của những cây phong và cây ngân hạnh.

Lương Duyên Tâm

(Bài đã đăng trên Vnexpress)








 

 

 

 

Monday, August 11, 2014

Bài viết của Lương Duyên Tâm về trồng rau sạch trên sân thượng


Trồng rau sạch trên sân thượng

Cách đây hơn mười năm gia đình tôi bắt đầu trồng rau sạch. Ban đầu chúng tôi trồng dưới mặt đất, tại một lô đất rộng chừng 60 mét vuông trong một khu dân cư ở quận Long Biên, nơi một người thân của tôi mua đã từ lâu nhưng chưa xây nhà. Sau đó, khi người này làm nhà để định cư ở đó, tôi đành phải trồng rau trên sân thượng nhà mình. Sở dĩ chúng tôi phải tự trồng rau sạch để dùng vì cơ thể tôi rất nhạy cảm với các loại hóa chất độc, mỗi khi ăn phải các loại thực phẩm, hoa quả nhiễm thuốc trừ sâu, chất kích thích tăng trưởng hay chất bảo quản (dù chỉ một lượng rất nhỏ) cơ thể tôi cũng phản ứng ngay, khi thì rát lưỡi, khi thì viêm họng, khi lại đau dạ dày, đau bắp thịt hoặc đau khớp xương …Tóm lại, hầu hết các loại rau quả bán ngoài chợ tôi đều không ăn được. Cũng cần phải nói thêm là hồi trẻ cơ thể tôi không đến nỗi mẫn cảm với hóa chất độc hại như thế và sự mẫn cảm này có vẻ như ngày càng tăng theo tuổi tác. Chính vì vậy, để có rau ăn, tôi buộc phải tự trồng rau sạch. Những ngày đầu số rau sạch chúng tôi trồng chỉ đủ dùng cho riêng tôi, thế nhưng dần dà chúng tôi tìm cách nâng cao sản lượng và cho đến nay, số lượng rau sạch mà chúng tôi thu hoạch được hàng ngày không những đủ cho bản thân tôi mà còn đủ cho cả gia đình gồm 4 nhân khẩu. Thậm chí có khi gặp thời tiết tốt, rau phát triển mạnh, cả nhà ăn không hết, chúng tôi còn hái một ít cho một số người quen.

Hồi còn ở trong một chung cư ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, chúng tôi sở hữu một căn hộ nhỏ với diện tích chỉ chừng 30 mét vuông. Vì ở tầng 4 là tầng trên cùng, nên chúng tôi được phép sử dụng 30 mét vuông sân thượng phía trên căn hộ. Từ năm 2008 đến năm 2011 chúng tôi đã trồng nhiều loại rau trên cái sân thượng đó và, các bạn có tưởng tượng được không, chỉ với 30 mét vuông vườn, chúng tôi đã có gần dủ rau cho cả gia đình. Mùa hè chúng tôi trồng rau muống nước, rau đay, rau mồng tơi; mùa đông chúng tôi trông rau cải, rau xà lách và một số loại rau khác. Vì chúng tôi không sử dụng bất cứ loại phân bón vô cơ, thuốc trừ sâu hay thuốc kích thích tăng trưởng nào nên các loại rau vườn nhà của chúng tôi hoàn toàn không nhiễm các loại hóa chất độc hại. Từ ngày có đủ rau sạch, cả nhà chúng tôi cảm thấy khỏe mạnh hơn. Riêng tôi không còn bị rát lưỡi, viêm họng, đau dạ dày, đau bắp thịt hay đau khớp xương nữa. Rau sạch với tôi giống như một thứ thần dược. Có vẻ như trong thời buổi này, nhiều khi bệnh tật đến với con người ta lại từ thức ăn và nước uống.

Sau đó, năm 2011, khi gia đình chúng tôi chuyển về sống tại căn nhà riêng ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, chúng tôi ngay lập tức thiết lập một vườn rau mới trên sân thượng. Vườn rau này rộng hơn so với vườn rau trước đó. Tại đây chúng tôi đặt gần 60 chiếc khay xốp để trồng rau, một nửa ở phía trước tum và một nửa ở phía sau tum. Để ngăn mưa, chúng tôi làm mái che lợp bằng nhựa trong suốt. Với các vườn rau trên sân thượng, mái che mưa rất quan trọng vì nếu không có mái che, các trận mưa lớn có thể khiến đất bị bạc màu, rau bị úng ngập dẫn đến thối rễ hoặc dễ nhiễm sâu bệnh. Hiện nay, vườn rau mới đã cung cấp đủ rau sạch cho cả nhà, họa hoằn lắm chúng tôi mới phải ra chợ mua một vài thứ mà vườn nhà không có.

Vườn rau sạch trên sân thượng không chỉ giúp gia đình tôi có được nguồn rau sạch mà còn giúp chúng tôi giải trí, thư giãn. Làm vườn thực sự là một thú vui bổ ích và hấp dẫn, vì việc trồng rau, tưới rau và bắt sâu cho cây không hề khiến chúng tôi cảm thấy nặng nhọc mà còn tạo điều kiện để chúng tôi đi lại, vận động nhiều hơn. Đối với chúng tôi, mỗi buổi sáng thức dậy lên thăm vườn rau đã trở thành một thói quen ưa thích. Còn gì thú vị bằng khi trên sân thượng nhà bạn có một khoảng xanh tươi mát mà trong những ngày đẹp trời, có những con chim sà xuống hót líu lo và những con bướm nhiều màu sắc bay lượn nhởn nhơ. Đó là một khung cảnh thực sự thi vị. Tuy nhiên, cũng cần phải nói thật với các bạn rằng, khi đã trở thành một người làm vườn có kinh nghiệm, bạn sẽ thấy cảnh đó không còn lãng mạn nữa vì mấy con chim, con bướm này có thể gây phiền toái cho bạn. Chim có thể mổ những quả cà chua còn bướm thì sinh ra vô số những con sâu phá hoại vườn rau của bạn.

Còn nhớ, khi chúng tôi mới bắt đầu trồng rau sạch, phong trào tự trồng rau ở thành phố chưa phát triển mạnh mẽ như bây giờ. Hồi đó cả khu chúng tôi ở có đến mấy trăm gia đình nhưng chỉ có mỗi gia đình tôi trồng rau. Nay thì rất nhiều nhà hàng xóm của chúng tôi đã có các mảnh vườn nho nhỏ trên sân thượng. Lý do khiến phong trào tự trồng rau phát triển có lẽ là vì càng ngày càng có nhiều bài báo viết về tệ nạn rau nhiễm hóa chất độc hại. Về vấn đề này các nhà báo thường giật những cái tít khiến người ta choáng váng, thậm chí ghê sợ, đại loại như: “Những vựa rau muống ướp thuốc độc ở Hà Nội”, “Người ăn rau đang bị đầu độc”, “Nhan nhản rau nhiễm chì!”, “Ngộ độc rau”,hoặc “Rau xanh - thủ phạm gây ngộ độc nhiều nhất” vv…Chỉ cần đánh ba từ “rau nhiễm độc” vào ô tìm kiếm của Google là trên màn hình hiện ra hàng nghìn bài báo nói về vấn đề này. Tác giả một số bài báo còn mô tả chi tiết việc người ta sử dụng các loại thuốc trừ sâu, chất kích thích như thế nào, thậm chí họ còn nói rằng những người nông dân trồng rau thường không ăn thứ rau mà họ mang đi chợ bán và họ biết nó rất độc và họ chỉ ăn loại rau trồng riêng tại các thửa ruộng dành riêng cho gia đình mình.

Cách đây mấy tháng, một người bạn của chúng tôi, cô Liên, hiện đang sống tại Sài Gòn, ghé thăm chúng tôi và cô có vẻ rất thích thú khi chiêm ngưỡng mảnh vườn trên sân thượng của gia đình tôi. Hóa ra, cô và chồng cô, anh Cường, cũng là những người trồng rau trên sân thượng có thâm niên. Sau đó, khi quay lại thành phố Hồ Chí Minh, cô gửi cho chúng tôi địa chỉ một videoclip quay mảnh vườn của gia đình cô trên mạng internet. Xem videoclip, chúng tôi thấy mảnh vườn trên sân thượng của vợ chồng cô rất đẹp. Nhân dịp đó, chúng tôi xem một số videoclip và trang web về các vườn rau sạch trên sân thượng khác và thấy cộng đồng những người thành phố trồng rau sạch tại nhà hiện nay đã rất đông. Đó là chưa kể còn một lượng người không kém phần đông đảo khác đang muốn bắt tay vào việc trồng rau sạch vì họ bắt đầu lo lắng cho sức khỏe của bản thân và những người thân trong gia đình. Tôi viết bài này với mong muốn truyền cảm hứng cho mọi người, để các bạn nhận thấy lợi ích của việc trồng rau sạch tại nhà và sớm gia nhập cộng đồng những người trồng rau sạch trên sân thượng như chúng tôi. Sau đây là một số bức ảnh chụp vườn rau sạch trên sân thượng của gia đình tôi.

Lương Duyên Tâm