Friday, August 14, 2020

Cuộc hành trình tới các di sản của Hàn Quốc

Cuộc hành trình tới các di sản của Hàn Quốc Cách đây hơn 10 năm, khi dự một cuộc hội thảo ở Seoul, đồng nghiệp Hàn Quốc dẫn chúng tôi thăm các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh. Nhờ chuyến đi, tôi có cơ hội hiểu thêm về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa... tại xứ sở này. Địa danh lịch sử đầu tiên mà các bạn Hàn Quốc dẫn chúng tôi đến là cố đô Gyeongju, nơi có thời là thủ đô của vương quốc cổ Shilla. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Gyeongju giờ đây là một thành phố với hơn 260.000 dân, cách thủ đô Seoul gần 400 km, không xa thành phố Ulsan, nơi tọa lạc nhà máy chế tạo ôtô thuộc hàng lớn nhất thế giới của tập đoàn Hyundai. Đồng thời, nơi đây cũng khá gần thành phố cảng Pohang, nơi có nhà máy cán thép khổng lồ của Công ty thép POSCO. Sau khi thăm nhà máy chế tạo ôtô của Hyundai ở Ulsan và nhà máy cán thép của POSCO ở Pohang, chúng tôi lên đường tới Gyeongju. Điểm đến đầu tiên của chuyến du hành tới các di tích lịch sử thuộc cố đô Gyeongju là khu lăng mộ của vua chúa vương quốc Shilla. Trước mắt chúng tôi là những ngôi mộ đất khổng lồ hình vòm, phủ cỏ xanh, có đường kính vài chục mét, bên trong chôn hài cốt của các vị vua chúa và hoàng tộc thời Shilla. Người ta từng khai quật các nấm mồ này để lấy mẫu vật nghiên cứu, sau đó chôn lại như cũ. Khi nhìn các nấm mộ đất như những quả đồi mọc đầy cỏ xanh nằm im lìm trong cái nắng đầu thu, trong đầu tôi như hiện ra quá khứ huy hoàng của vương quốc Shilla. Triều đại này từng nổi lên thành một thế lực mạnh, thống nhất được gần như toàn bộ bán đảo Triều Tiên, đạt tới đỉnh cao quyền lực vào phồn vinh vào giữa thế kỷ thứ 8 sau công nguyên, sau đó suy yếu dần. Cuối cùng, năm 935, vua Shilla đành phải trao lại quyền bính cho vua Taejo, người lập ra vương quốc mới Koryo. Nhờ một loạt di tích như lăng mộ vua chúa, đền chùa và thành quách đổ nát, Gyeongju đã trở thành địa điểm du lịch hàng đầu Hàn Quốc, mỗi năm thu hút tới hơn 9 triệu du khách trong nước và quốc tế. Chúng tôi bắt đầu chuyến hành trình di sản bằng cách thăm bảo tàng quốc gia Gyeongiu. Tại đây, người ta trưng bày các món đồ tạo tác thời Shilla, thu được từ các cuộc khai quật các ngôi mộ ở Gyeongju và các khu vực lân cận, trong đó có cả một hiện vật đặc biệt quý giá, đó là chiếc vương miện bằng vàng và vô số châu báu khác. Ở phía bên ngoài tòa nhà bảo tàng có đặt một chiếc chuông lớn, bằng đồng, có tên tiếng Anh là Emille Bell. Đây là cái chuông lớn nhất Hàn Quốc, đúc năm 771. Nghe nói, nếu chiếc chuông khổng lồ này được đánh lên trong những đêm trời quang, mây tạnh thì âm vang của nó có thể lan xa tới 40 dặm. Người Hàn Quốc rất tự hào về quá khứ của dân tộc mình và họ rất có ý thức trong nỗ lực truyền lại cho các thế hệ con cháu đời sau niềm tự hào đó. Hôm đến thăm bảo tàng quốc gia Gyeongju, chúng tôi gặp một nhóm học sinh tiểu học đang có giờ ngoại khóa. Nhìn những đứa trẻ bảy, tám tuổi, khỏe mạnh, má đỏ bồ quân, vai khoác những chiếc ba lô nhỏ xíu, tay cầm cuốn sổ tí hon và cây bút chì, đang hí hoáy ghi chép, tôi rất khâm phục cách dạy sử của các thầy cô giáo Hàn Quốc. Còn gì thú vị hơn đối với các em mỗi khi học về một triều đại hay một vị vua nào đó, mà lại được chứng kiến tận mắt chiếc vương miện bằng vàng và các thứ đồ đạc khác của nhà vua! Chắc chắn các kiến thức lịch sử cùng với kỷ niệm của chuyến tham quan sẽ được các em ghi nhớ mãi. Sau khi rời bảo tàng quốc gia Gyeongju, chúng tôi lên đường tới thăm ngôi chùa Bulguksa, một kiệt tác kiến trúc của Hàn Quốc đã được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đưa vào danh sách Di sản văn hóa thế giới hồi năm 1995. Đây là ngôi chùa làm bằng đá, có nhiều đường nét hài hòa, được xây dựng năm 535 và mở rộng thêm vào năm 751. Trải qua các biến động của lịch sử, có thời Bulguksa bị phá hủy gần như hoàn toàn. Mãi đến cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970, ngôi chùa mới được phục chế lại với vẻ lộng lẫy như ngày hôm nay. Nghe nói, toàn bộ các cột đá của ngôi chùa là nguyên gốc. Theo lời người hướng dẫn viên du lịch thì Bulguksa là một trong những ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng ở Hàn Quốc. Rất nhiều người dân nước này đã không ngại đường xá xa xôi để tới đây cầu nguyện. Hôm chúng tôi đến thăm Bulguksa, trong đền có ba vị sư đang tụng kinh gõ mõ, cạnh họ là vài người hành hương đang khấn vái. Tôi để ý đến một phụ nữ Hàn Quốc, dáng vẻ quý phái, đang cần mẫn cầu nguyện. Cái cách người đàn bà này khấn vái khá đặc biệt. Chị ta nằm phủ phục xuống tấm thảm trước mặt, sau đó đứng lên, rồi lại nằm phủ phục xuống thảm, cứ thế, lặp đi lặp lại hàng nghìn lần. Sở dĩ tôi đoán “hàng nghìn lần” là vì sau khi đã thăm viếng hết các công trình kiến trúc rải rác xung quanh ngôi chùa Bulguksa, khoảng một tiếng đồng hồ sau, quay trở lại chúng tôi vẫn thấy người phụ nữ tiếp tục khấn vái. Tôi chợt nghĩ, nếu Đức Phật cũng có trái tim dễ mủi lòng như con người, chắc Ngài sẽ đáp ứng nguyện vọng của chị. Rời Gyeongju, chúng tôi trở về thủ đô Seoul để hôm sau thăm cung điện Deoksugung. Cung điện này nằm ở trung tâm Seoul, gần tòa Thị chính, được bao bọc bởi một bức tường, cạnh đó là các dãy phố với lòng đường lát bằng đá cục mài nhẵn. Xem lời giới thiệu, tôi được biết, cung điện Deoksugung được vua Taejo, vị vua đầu tiên của triều đại Joseon xây dựng năm 1394. Sau đó nó được các đời vua kế vị mở rộng thêm. Năm 1553, cung điện bị cháy rụi do một trận hỏa hoạn lớn, nhưng một năm nó sau đó nó lại được xây dựng lại. Trong thời gian Nhật Bản xâm chiến Hàn Quốc, từ năm 1592 đến năm 1598, cung điện Deoksugung bị cháy một lần nữa và lại được trùng tu vào năm 1867, trở nên rộng lớn và hoành tráng hơn. Trong thời kỳ Nhật Bản xâm chiếm bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến 1945, một số công trình kiến trúc trong cung cung điện Deoksugung bị tàn phá. Bắt đầu từ năm 1989, Chính phủ Hàn Quốc tiến hành chương trình tái tạo lại các cấu trúc bị phá hủy và sau rất nhiều nỗ lực của các chuyên gia phục chế, cung Deoksugung có được vẻ đẹp huy hoàng như ngày hôm nay. Chặng cuối cùng của cuộc hành trình khám phá các di sản Hàn Quốc của chúng tôi là bảo tàng quốc gia ở Seoul. Đây là một bảo tàng lớn, thu hút rất nhiều khách tham quan. Số lượng mẫu vật trưng bày tại đây nhiều đến mức khiến chúng tôi choáng ngợp. Rất tiếc, vì ít thời gian nên chúng tôi không thể xem hết các mẫu vật và cũng không thể lĩnh hội hết chiều sâu lịch sử cũng như các thành tựu văn hóa, nghệ thuật và khoa học kỹ thuật của người Hàn Quốc. Tại bảo tàng quốc gia Seoul, chúng tôi lại gặp một đoàn học sinh đang có giờ ngoại khóa, nhưng lần này là học sinh trung học chứ không phải tiểu học. Nhìn các cô cậu thanh, thiếu niên ở tuổi mới lớn, vẻ mặt nghiêm túc, chăm chú xem xét các mẫu vật và ghi chép tỉ mỉ những gì mình vừa nhận biết vào một cuốn sổ, tôi đoán chắc các em rất tự hào về quá khứ của cha ông mình và, đối với các em, môn sử chắc là môn học hấp dẫn. Dân tộc Hàn có quá trình lịch sử bi tráng. Họ đã từng phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh, cả nội chiến lẫn chống ngoại xâm, đã từng bị chia cắt, sau đó thống nhất và cuối cùng lại bị chia cắt. Để có được nền hòa bình và các thành tựu về kinh tế và khoa học như hôm nay, người Hàn đã phải đổ rất nhiều máu, mồ hôi và nước mắt. Thực ra, còn một di sản nữa mà chúng tôi đã tiếp cận được trong một tuần lễ sống ở Hàn Quốc, đó là phong cách sống và nền văn hóa đặc sắc của người Hàn. Chính di sản này đã làm nên bản sắc Hàn Quốc. Sau này, khi đã rời Hàn Quốc, tôi vẫn còn nhớ mãi cảm giác thanh bình khi ở bên trong một ngôi nhà nông thôn truyền thống, ăn bữa cơm giản dị trong bầu không khí thân tình, ấm áp được tạo ra bởi lòng hiếu khách của người Hàn và cả bởi hơi ấm tỏa ra từ hệ thống sưởi đối lưu đặc biệt dưới sàn các ngôi nhà của họ. Mùi vị đặc trưng của các món ẩm thực, đặc biệt là món kim chi và món rong biển khô, cũng khiến tôi không thể nào quên. Nghệ thuật dân gian cũng là một di sản quý của người Hàn Quốc. Tôi vẫn còn nhớ mình đã cảm thấy xúc động như thế nào khi xem màn trình diễn múa trống của các vũ công tại nhà hát dân tộc Seoul. Trong màn múa trống ấy, các cô gái xinh đẹp, tóc búi cao, mặc hanbok, dường như đã làm cho bầu không khí của nhà hát nóng lên bởi các động tác đánh trống dồn dập, điêu luyện. Cảm xúc của chúng tôi lên đến cao trào khi thưởng thức bài hát Arirang, do một một nữ ca sĩ biểu diễn. Tôi dường như đã xúc động đến lặng người đi khi nghe cô ca sĩ có giọng hát rất khỏe kết thúc bài hát. Arirang là bài hát Hàn Quốc hay nhất mà tôi được nghe. Mặc dù không biết tiếng Hàn nhưng nghe giai điệu réo rắt của nó và nhìn nét mặt đầy biểu cảm của người nữ ca sĩ. Tôi biết, nội dung của bài hát nói về cuộc tình trắc trở, nỗi mong mỏi, nhớ thương của người phụ nữ đối với người đàn ông mà cô yêu dấu. Bài hát mang tâm trạng u buồn, đau khổ, như thể được cất lên từ trái tim rớm máu. Một tuần lễ trôi nhanh. Mặc dù còn rất nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử của Hàn Quốc mà chúng tôi chưa tới thăm được, nhưng những gì đã trải nghiệm cũng đủ khiến tôi yêu mến và khâm phục dân tộc này. Buổi sáng ngày cuối cùng ở Hàn Quốc, trên chiếc máy bay vừa cất cánh khỏi sân bay Kimpo, tôi nhìn xuống bên dưới thấy dòng sông Hàn như một vệt xanh mờ uốn khúc giữa thành phố Seoul lấp lánh nắng, xa xa là núi non trùng điệp. Tạm biệt Seoul, tạm biệt Hàn Quốc. Cảm ơn những người bạn Hàn hiếu khách đã dành cho chúng tôi một cuộc hành trình thú vị và bổ ích. Lương Duyên Tâm https://vnexpress.net/cuoc-hanh-trinh-toi-cac-di-san-cua-han-quoc-3031468.html

No comments:

Post a Comment