Saturday, July 6, 2013

Gần 40 năm sau gặp lại


Gần 40 năm sau gặp lại

 

Cách đây mấy hôm. anh Cường ( https://www.facebook.com/cuong.nguyenhung.16) dẫn tôi đến dự cuộc gặp mặt các cựu sinh viên từng là lưu học sinh học vật lý tại trường Đại học Karlova Univerzita, Praha, Tiệp Khắc. Anh Cường mới từ Sài Gòn ra. Anh nói, mỗi lần anh ra Bắc, hội cựu sinh viên ngành vật lý Karlova Univerzita đều tổ chức các buổi gặp gỡ. Được  biết, hội này năm nào cũng tổ chức gặp nhau ít nhất là một lần để hàn huyên, chia sẻ, nhờ vậy mọi người đều biết rõ về hoàn cảnh gia đình và công việc của nhau. Chỉ có tôi là chưa tham gia lần nào. Có lẽ vì muốn tôi hòa nhập với cộng đồng này nên anh Cường nói sẽ đến nhà tôi để rủ tôi cùng đi tới nơi tụ tập là nhà riêng của cặp vợ chồng Đức – Lộc.

Thế là đã gần 40 năm trôi qua. Đã có bao nhiêu nước sông Vltava chảy qua chân cầu Karlův! Trong thời gian đó nước Tiệp Khắc cũ đã trải qua nhiều biến động lớn. Một cuộc cách mạng nhung đã xảy ra. Thậm chí quốc gia này đã được chia đôi, và chế độ cộng sản đã không còn tồn tại cả ở Cộng hòa Séc và Slovakia. Chúng tôi, trừ vài người có dịp quay trở lại Praha, phần lớn không có điều kiện thăm lại đất nước đã từng cưu mang mình. Tuy ở xa Praha nhưng mỗi khi có dịp gặp nhau chúng tôi thường nhắc lại những kỷ niệm hồi còn học tập ở thành phố này. Đối với đa số chúng tôi, đó là những ký ức thật sự tươi đẹp vì nó gắn liền với tuổi thanh xuân của mình.
 
Cùng đến nhà tôi với anh Cường còn có Tấn, cũng là cựu sinh viên khoa Toán – Lý, Karlova Univerzita. Tay này hiện đã là giáo sư tiến sĩ toán. Tôi biết Tấn khá rõ vì cùng quê Thái Bình, đã từng gặp nhau hồi học lớp 10, khi hai đứa tham gia đội tuyển học sinh cấp 3 tỉnh Thái Bình tham dự kỳ thi học sinh giỏi miền Bắc năm 1968. Sau đó, khi tới Praha, tôi và Tấn có thời kỳ là bạn cùng phòng hoặc cùng ở một ký túc xá trong nhiều năm. Còn với anh Cường, tôi quen anh vì ngoài việc anh cùng học với tôi ở Praha, cô Liên, vợ anh là bạn của Nhơn, vợ tôi. Ngày xưa  hai nhân vật này đã có thời cùng học ở Budapest, Hungaria. Trước khi rủ tôi đi dự cuộc gặp mặt, anh Cường nói đùa: “ Ngoài 60 tuổi rồi, những người quen cũ đã bắt đầu lần lượt ra đi. Năm ngoái anh Thường, Năm nay anh Việt ( Hồ Đức Việt).  Không biết sắp tới sẽ còn ai nữa. Cần tận dụng các cơ hội để gặp gỡ nhau, biết đâu sau này không còn dịp nào nữa”.

Nhà vợ chồng Đức – Lộc ở trong một cái ngõ gần đường Hoàng Quốc Việt. Thấy cái nhà  3 tầng khang trang, mặt tiền rộng hơn 5 mét, ngõ khá rộng và khu dân trí cao mà mừng cho hai bạn.. Đức trước học vật lý Karlova Univerzita, còn Lộc học Đại học kỹ thuật Praha (ČVUT). Thực ra Lộc đã có thời học vật lý với  chúng tôi, thậm chí đã có thời gian ở cùng phòng với tôi tại ký túc xá Větrník, Praha 6. Sau một năm học ở Karlova Univerzita, anh chuyển sang học ở ČVUT. Khi Lộc còn làm ở Đài truyền hình VN, tôi thường gặp anh tại các sự kiện quốc tế lớn có sự tham gia của truyền thông nước ngoài như Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh Á- Âu (ASEM)... nên hai người không còn lạ lẫm gì. Đức và Lộc đã thành cặp khi còn ở Praha. Giờ thì hai người đã con cái đề huề và đều đã nghỉ hưu. Vẫn giữ thói quen thường xuyên tập luyện thể thao từ hồi còn ở Tiệp Khắc, hàng ngày, đều đặn vào các buổi chiều, Lộc vác vợt đi đánh tennis tại sân chơi gần nhà. Đức có dáng vẻ của một bà nội trợ đảm đang. Nhìn thấy Đức, tôi lại nhớ hình ảnh cô bạn thuở sinh viên năm nào, với cặp mắt trong nhiều biểu cảm và hai dải tóc đuôi sam đặc trưng của các nữ sinh viên hồi đó. Đức nhận ra tôi ngay dù đã lâu lắm không gặp nhau. Đức là người có phong cách giản dị. Trước đây cũng như bây giờ, sự chân thành như tỏa ra từ vẻ ngoài điềm đạm của bạn ấy.

Ngoài Đức và Lộc, người tôi nhận ra ngay là ra anh Đạt. Anh không khác nhiều so với hồi còn là sinh viên, trừ mái tóc đã bạc trắng. Tính anh Đạt vẫn trẻ trung và  hiền hậu như cách đây gần 40 năm, hồi còn ở Praha. Bạn Hiền, người cùng học một khóa với tôi và Đức, cũng không xa lạ với tôi. Tôi đã từng gặp bạn ấy vài lần tại các buổi chiêu đãi do Sứ quán Cộng hòa Séc tổ chức. Tiếp đến là anh Ái, người tôi cũng đã gặp mấy lần tại Đại sứ quán Cộng hòa Séc. Hồi đó tôi được ông đại sứ và vợ ông ta mời đến thảo luận về những cuốn sách văn học Séc mà tôi đã dịch và bàn về kế hoạch dịch một cuốn sách khác. Tiếc là dự án này sau đó không thực hiện được. Hai người nữa tôi cũng nhận ra ngay là chị Hiền, vợ anh Đạt, và chị Thắng, người học cùng khóa với chị Hiền. Riêng hai anh Kỳ và Sử thì tôi không nhớ mặt và phải hỏi tên mới nhớ ra được.

Tại buổi gặp mặt, chúng tôi hỏi nhau về cuộc sống của từng người, kể cả cuộc sống của những người không có mặt tại bữa tiệc. Hóa ra tất cả đều đã già và hầu hết tóc đã bạc. Ai mau mắn đã có cháu nội, cháu ngoại. Đa số đều thành đạt và hiện đã nghỉ hưu, có gia đình êm ấm, hạnh phúc. Tuy vậy, cũng có vài người còn lận đận. Lại có người biệt tăm tích, không biết đang sống ở phương trời nào!

Giống như mọi cuộc tụ tập khác, câu chuyện bên bàn ăn lại xoay sang tình hình chính trị, xã hội của đất nước. Hóa ra ai cũng trăn trở với tình trạng bất an của xã hội hiện nay, khi mà nạn tham nhũng, ô nhiễm môi trường, nhiễm độc thực phẩm ngày càng trầm trọng. Tình trạng tha hóa của “một bộ phận không nhỏ” quan chức của bộ máy công quyền cũng làm nhiều người ngán ngẩm. Một số người tâm sự rằng họ đã khuyên con cái mình không nên vào làm tại cơ quan nhà nước và chỉ nên làm tại các công ty tư nhân hoặc công ty nước ngoài để có thể sống một cuộc sống trung thực, khỏi phải chứng kiến hoặc dính vào  những điều trái tai, gai mắt!

Sau đó câu chuyện chuyển sang đề tài cái chết của anh Hồ Đức Việt, người vừa mới mất cách đây không lâu . Trong số những người học ở Tiệp Khắc về, anh Việt là người thành đạt nhất về đường quan chức. Hồi đó, khi chúng tôi vào học năm thứ nhất ở khoa Toán- Lý  thì anh đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành toán và vừa bắt đầu làm luận án phó tiến sĩ. Trong ký ức của tôi, anh Việt là người trầm tính, ít nói, có phần bí hiểm, và đặc biệt, anh là một cầu thủ bóng đá khá lành nghề. Tôi nhớ có lần đá bóng cùng với anh. Hôm ấy anh đá ở vị trí tiền đạo thuộc đội bóng đối phương. Trớ trêu thế nào tôi được phân công đá ở vị trí hậu vệ và có nhiệm vụ kèm cặp anh. Vì không phải là cầu thủ giỏi giang cho lắm nên tôi thường bị anh vượt qua. Cuối cùng, thấy tôi không phải là cầu thủ xứng tầm với anh, mọi người quyết định chuyển tôi khỏi vị trí hậu vệ và cho phép tôi tự do muốn đá ở vị trí nào tùy thích. Sau này, khi đã về nước, tôi có dịp gặp anh nhiều lần. Hồi anh là Bí thư thứ nhất Trung ương đoàn, vì cơ quan anh ở 62 Bà Triệu gần ngay cơ quan tôi, 66 Bà Triệu, nên tôi hay chạm trán anh trên vỉa hè phố Bà Triệu, đoạn đối diện với Sứ quán Pháp. Lần gặp tôi nào anh cũng dừng lại ân cần hỏi han và nói: “ Lúc nào rỗi ghé qua chỗ mình nhé”.  Thế nhưng tôi chưa bao giờ tới văn phòng anh, một phần vì hồi đó ít khi tôi rỗi rãi, một phần vì tính tôi không ưa gần gũi các vị quan chức đảng và nhà nước, chức càng to tôi càng tìm cách tránh mặt. Tôi thấy những người này thường không có quan điểm tương đồng với mình về nhiều mặt. Mà khi đã khác quan điểm thì trò chuyện với nhau chỉ tổ gây bất hòa mà thôi. Lúc đó tôi nghĩ, anh Việt tuy là người quen biết cũ nhưng vẫn là một vị quan lớn nên việc gặp gỡ, trò chuyện với anh chắc chẳng thú vị gì đối với cả tôi và anh. Sau này, khi nghe tin anh mất, tôi lại thấy tiếc vì đã không đáp lại lời mời của anh vì , biết đâu, nếu có dịp trò chuyện với anh, tôi sẽ phần nào biết được con người thực của anh và có thể anh sẽ không còn là một nhân vật bí hiểm đối với tôi nữa. Giờ đây, gặp gỡ những người đã từng sống cùng ký túc xá với anh trong nhiều năm tôi mới biết, hóa ra không chỉ tôi mà nhiều người cũng không biết gì về những năm tháng cuối đời của anh. Họ hỏi nhau về những lời đồn lan truyền trên mạng và nhiều người tỏ ra không tin có những chuyện đó.

Trong số những người có mặt hôm ấy chỉ có Đức, Lộc, Hiền, Tấn và tôi là cùng khóa. Chúng tôi sang Tiệp Khắc mùa hè năm 1968 và đã được chứng kiến một loạt các cuộc biến động ở nước này. Đến thành phố Ostrava hôm trước thì hôm sau chúng tôi được thông báo, đêm hôm đó, 21-8-1968, quân đội khối Varsava đã tiến quân vào Tiệp Khắc. Sáng hôm ấy, khi đến nhà ăn sinh viên ăn điểm tâm, chúng tôi thấy không khí rất khác thường. Các nhân viên nhà ăn đều lặng lẽ làm việc chứ không cười nói như mọi khi. Một số phụ nữ mắt đỏ hoe. Có lẽ họ khóc vì tức giận và lo sợ. Tức giận vì đột nhiên quân đội nước ngoài ngang nhiên tiến vào nước mình. Còn lo sợ là bởi nguy cơ chiến tranh có thể xảy ra. Sau đó, khi ra phố, chúng tôi thấy xe tăng đậu la liệt tại các công viên và quảng trường. Một năm sau, vào mùa hè năm 1969, tại Praha, đúng dịp kỷ niệm ngày quân đội khối Varsava tiến vào Tiệp Khắc, chúng tôi lại được chứng kiến cuộc biểu tình khổng lồ với sự tham gia của hàng triệu người ở quảng trường Vaclav. Nhờ sự kiện này mà chúng tôi biết lựu đạn cay có mùi vị như thế nào. Hôm ấy, khi nghe tin tại quảng trường chính của thủ đô Praha có biểu tình lớn, chúng tôi rủ liền nhau đi xem. Tại vị trí cuối quảng trường, chúng tôi bị mắc kẹt giữa đám đông người biểu tình. Không may cho chúng tôi là đúng lúc đó, lực lượng cảnh sát bắt đầu ra tay. Họ bắn những quả lựu đạn tỏa khói mù mịt đồng thời dùng dùi cui quật lấy quật để vào người biểu tình. Chúng tôi cùng những người biểu tình khác bỏ chạy tán loạn vào các ngõ phố lân cận để tránh những cú đánh như trời giáng của các nhân viên công quyền. Thật may, đa số chúng tôi chỉ phải nếm mùi lựu đạn cay chứ không bị dùi cui đập vào người. Tuy nhiên, cũng có một người gặp rủi ro, đó là anh T, một sinh viên học toán. Khi giơ tay che đầu để đỡ cú đánh trời giáng của một viên cảnh sát, mấy ngón tay anh bị chiếc dùi cui đập trúng khiến nó sưng vù, mãi mấy ngày sau mới khỏi.  Để thoát khỏi bầu không khí nồng nặc mùi tỏi, hạt tiêu và mù tạt, chúng tôi tháo chạy sang các dãy phố lân cận. Khó có thể chịu được mùi lựu đạn cay quá năm phút. Thứ hơi cay khủng khiếp đó khiến tôi bị rát họng, chảy nước mắt, nước mũi  và ho sặc sụa. Vài phút sau đó, quảng trường Vaclav vắng hẳn. Cuộc biểu tình đã bị dập tắt. Sự kiện đó đã khiến tôi hiểu thêm về đất nước và con người Tiệp Khắc. Séc là một nước nhỏ, nằm giữa những nước lớn, hay bị các nước láng giềng mạnh hơn ức hiếp, nhưng người Séc luôn có tinh thần bất khuất, muốn tự quyết định vận mệnh của mình chứ không muốn bị áp đặt, lệ thuộc.

Tôi muốn nói thêm về ký túc xá Větrník ở khu Petřiny, Praha 6,  nơi chúng tôi đã sống hầu hết thời gian khi học ở Praha. Đó là một nơi cư trú lý tưởng của sinh viên. Tuy chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 6 km nhưng nó có đầy đủ tính chất của một khu ngoại thành, với những bãi cỏ, rừng cây, sân vận động, vườn cây ăn quả. Từ đây người ta có thể đi vào trung tâm Praha rất tiện lợi bằng các chuyến tàu điện số 1 và số 20. Quang cảnh ở Větrník rất đẹp, không khí đặc biệt trong lành. Mùa xuân, các vườn táo, lê và anh đào gần ký túc xá nở hoa trắng xóa. Còn vào mùa hạ, cỏ cây ở khu vực này trở nên xanh tươi. Dọc hai bên lối đi qua các khu vườn, những chùm quả táo, lê và anh đào xõa xuống như chào mời. Trên các bãi cỏ, chi chit hoa cải và hoa cúc dại. Bọn sinh viên chúng tôi thường chơi trò đá bóng trên các bãi cỏ gần ký túc xá hoặc đi dạo trong các khu vườn rợp bóng cây. Giờ đây, tôi như vẫn còn như thấy được mùi hương dịu ngọt của cỏ tươi phơi nắng khi người ta dùng máy xén cỏ cắt ngắn các vạt cỏ bên đường cho chúng đỡ rậm rạp và vun thành từng đống nhỏ bên lối đi. Mùi hương ấy, bầu không khí ấy mới yên bình làm sao! Tuy sinh viên nam và sinh viên nữ ở hai khu nhà khác nhau, nhưng các khu này chỉ cách nhau khoảng 400 mét nên các cặp yêu nhau có thể dễ dàng gặp gỡ. Vào ban đêm, khi đã quá giờ thăm viếng, các cặp tình nhân ở hai ký túc xá nam và nữ còn có thể tâm sự hàng giờ bằng bằng mạng điện thoại nội bộ miễn phí. Giờ đây, với người Việt Nam, Větrník dường như không còn bình yên như trước. Anh V, một người quen của tôi, cũng đã từng sống ở ký túc xá Větrník trong nhiều năm, khi còn làm cho một công ty Séc có về thăm lại nơi này. Anh cho biết, một lần, khi tới một tiệm giải khát, anh gặp một nhóm thanh niên đang nói xấu người Việt (có lẽ do họ nhìn thấy anh và nghĩ anh không biết tiếng Séc), anh đã phản ứng và bọn này đã nổi điên, hành hung anh hết sức dã man. Như để chứng minh chuyện này là có thật, anh V chìa cho tôi xem cái tai bị sứt, dấu vết của vụ bạo lực phân biệt chủng tộc năm nào.Thời gian không chỉ làm biến đổi cảnh quan mà còn làm biến đổi cả tâm trạng con người. Khu Větrník giờ đây đã thay đổi. Nhiều tòa nhà mới đã mọc lên, một sân vận động mới đã được xây dựng cạnh khu ký túc xá nam cũ (giờ được gọi là ký túc xá Hvězda), đường phố cũng khang trang hơn, nhưng người Việt Nam thì đã không còn được tôn trọng và đối xử tử tế, ân cần như trước.

Nhiều lúc tôi mong ước được về thăm lại những nơi đã từng có những kỷ niệm đẹp, trong đó có ký túc xá Větrník. Nhưng rồi sau đó tôi lại gạt bỏ ngay ý nghĩ này vì lo ngại, biết đâu, khi trở lại những nơi ấy, tôi sẽ không còn thấy nó đẹp như trong ký ức của mình, và những kỷ niệm đầy thi vị của thời thanh xuân của tôi có thể sẽ vĩnh viễn biến mất.


Lương Duyên Tâm

 
- Ảnh: Cuộc gặp mặt của những người học ngành vật lý Karlova Univerzita tại nhà Đức – Lộc, Hà Nội. Ảnh mượn từ facebook của anh Cường https://www.facebook.com/cuong.nguyenhung.16.

 - Sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam lao động tại nông thôn thời Tiệp Khắc cũ. Ảnh chụp với trẻ em và sinh viên Séc. Chú thích trên bức ảnh không đúng về thời gian. Ảnh chụp vào đầu thập niên 1970. Cảm ơn anh Cường đã cung cấp những bức ảnh này.





 
 

No comments:

Post a Comment