Lời bình của Ngô Thế Oanh về tập thơ “Thơ giữa hai mùa”
Tôi nhớ, đó là vào khoảng cuối những năm tám mươi…
Tình cờ, do công việc, cần trao đổi lại về bản dịch một vở
kịch chuẩn bị đưa in, tôi được quen biết Lương Duyên Tâm. Anh học ở Praha về,
là dịch giả của một số tác phẩm văn học Tiệp Khắc.
Từ khá lâu, sống ở một tỉnh ven biển miền Trung, rải rác khi
này, khi khác tôi đã được đọc những bài thơ, những bản dịch ký tên Lương Duyên
Tâm. Một giọng thơ trữ tình khiêm nhường. Mỗi lần đọc thơ của một ai đó, tôi
thường mường tượng, hình dung tác giả trong cuộc đời. May mắn là ít khi tôi
nhầm.
Em ra đi mùa hạ cũng
theo đi
Mà hàng phượng bên
thềm còn đỏ mãi
Em vẫn còn xa. Mùa hè
quay trở lại
Hoa rực hồng hơn cả
buổi chia ly
Làm sao biết được chính xác là khi “Em vẫn còn xa. Mùa hè
quay trở lại”… mà “Hoa rực hồng hơn cả buổi chia ly”. Nhưng có lẽ tất cả những ai đã yêu, đang yêu
đều tin vào những điều tác giả cảm nhận và bày tỏ.Vì nào có ai trong tình yêu,
trong nhớ nhung xa cách mà lại tỉnh táo đến mức còn đi tìm kiếm, bắt bẻ những
logic hợp lý thông thường. Lương Duyên Tâm tinh tế diễn đạt cái rung động rất
sâu có lẽ chỉ thoáng lên khoảnh khắc trong tâm hồn. Và tâm hồn anh chợt gần gũi
với tâm hồn ta. Ta thường yêu mến những ai chỉ bộc lộ với ta những gì họ vốn
có.
Ở một trang khác của tác giả Thơ giữa hai mùa:
Thật như đất nên tôi
thô nháp
Mịn như tro em quá dịu
dàng
Không hiểu sao tôi đã dừng lại khá lâu ở hai dòng thơ này.
Mịn như tro…Một so sánh ít khi gặp. Nhưng ngẫm nghĩ, ta thấy người viết có lý.
Người viết muốn gửi gắm gì trong hai dòng thơ này? Anh muốn nói đến người đàn
bà anh yêu, điều này ta hiểu rồi. Nhưng hình như anh còn muốn nói rộng hơn nữa.
Có thể là về thơ ca. Có thể là về dòng đời. Có thể là về tâm hồn con người.
Hình như tôi đã đọc thấy ở đâu đó rằng cái bền vững chính là tro. Vâng, tro là
những gì còn lại sau rực rỡ ngọn lửa.
Vừa là khiêm nhường nhưng cũng vừa là một mơ ước khi Lương
Duyên Tâm tìm đến sự chân thành của đất. Anh viết rằng đất thô nháp. Có lẽ là
một cách tế nhị khi anh tự bạch.Và nét thô nháp vẫn là nét đáng yêu. Song không
chỉ đơn giản như vậy. Thơ anh, và có lẽ cả đời anh nữa, giản dị. Nhưng đó là
nét giản dị sau rất nhiều suy ngẫm, tìm kiếm. Trong thơ của người viết này ta
tìm thấy không ít những trăn trở, cả trong cấu trúc lẫn trong nhịp điệu, ngôn
ngữ để đi vào thơ hiện đại. Ta còn bắt gặp những khoảng rộng của không gian
cũng như thời gian. Bên cạnh những dòng thơ trữ tình dung dị, gần gũi là những
dòng thơ mang theo tư duy không dễ nhận ran gay, không dễ đọc. Đất của nhà thơ
này đôi khi hàm ẩn không ít những rung cảm nghiêng về triết luận. Đó có lẽ cũng
là một trong những nét mà thơ hiện đại đang tìm kiếm.
Viết ra những bài thơ. Trước hết là để hóa giải cho chính
mình. Ghi lại những khoảnh khắc cho đời mình. Rồi cuộc sống với bao bề bộn lo
toan phức tạp khiến người viết đôi khi gần như quên đi, đúng hơn là cố tình
quên đi, không muốn nhớ lại…Tác giả tập thơ này là một người như thế. Có đây
cũng là một phẩm chất của những người thật lòng yêu thơ?
Thơ giữa hai mùa được viết rải rác trong nhiều năm. Và bây
giờ mới được tập hợp lại. Như một kỷ niệm. Một lượm hoa của ký ức. Những bài
thơ được viết những năm thanh xuân với bao say đắm. Và những bài thơ được viết
khi chớm bước vào mùa thu, mùa của trái chin, những khoảng trong lặng đượm
buồn. Điều an ủi là, với tất cả chân thành của người viết, người đọc hôm nay hy
vọng vẫn còn tìm thấy những đồng cảm. Những rung động thực của hồn ta bao giờ
cũng tìm thấy đường đến với lòng người…
Hà Nội, mùa thu 1999
Ngô Thế Oanh
No comments:
Post a Comment