Saturday, March 8, 2014

Năm bài thơ của Jaroslav Seifert

Ngày 8-3, đọc lại tập thơ Maminka (Mẹ) của Jaroslav Seifert (23-9-1901_10-1-1986), nhà thơ Cộng hòa Séc đoạt giải Nobel văn chương năm 1984, thấy xúc động trước hình ảnh người mẹ nhà thơ, một phụ nữ Séc giản dị, giàu tình cảm. Bà là nhân vật trung tâm của gia đình. Khi bà vui, bầu không khí trong nhà trở nên tươi tắn, rạng rỡ, còn khi bà buồn thì bầu không khí ấy trở nên u ám, buồn tẻ. Có lẽ, hồi nửa đầu thế kỷ 20, cuộc sống của đa số người Séc, trong đó có cả cha mẹ Jaroslav Seifert, cũng nghèo túng chẳng khác gì người Việt Nam cùng thời, và những niềm vui, nỗi buồn của họ cũng giản dị, khiêm nhường như của người Việt Nam vậy. Jaroslav Seifert là nhà thơ viết nhiều về phụ nữ, đặc biệt là về người mẹ của mình. Maminka là hồi ức của nhà thơ về quãng thời gian ông sống với cha mẹ, từ khi ông còn là một cậu bé con cho tới khi đã trưởng thành. Với người mẹ nhà thơ, dù Jaroslav Seifert còn là trẻ con hay đã trở thành một nhà thơ nổi tiếng, lúc nào ông cũng chỉ là một người con cần được dạy dỗ, che chở. Trong số các bài thơ dưới đây, bài "Chiếc gương của mẹ" và bài "Bên cửa sổ" được rút từ tập Maminka. Cả 5 bài này đều đã được đăng trên tạp chí Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam.




Jaroslav Seifert


Chiếc gương của mẹ

Chiếc gương khung mạ vàng của mẹ
Theo thời gian lớp bạc mờ dần
Gần nửa đời mẹ soi gương chải tóc
Những ngày đầu gương hãy còn trong

Chiếc gương treo bên cửa sổ, trên chiếc đinh
nó nhìn mẹ, nhìn con
mà sao không cười nhỉ?
Hồi ấy mẹ trẻ trung vui vẻ
gương mặt người chưa có nếp nhăn
mà nếu có chắc là rất ít

Bên chiếc cối xay mẹ hát
mẹ nhảy cùng cha điệu valse hạnh phúc
Mỗi lần nhớ về thời tuổi trẻ đã qua
mắt người ánh lên những tia lấp lánh

Những sợi tóc lấy ra từ chiếc lược
mẹ cuộn tròn nhằm phía cửa ném đi
Tôi nhìn thấy những nếp nhăn nho nhỏ
Trên thái dương quanh khoé mắt người

 

Rồi khung gương theo tháng năm biến dạng
lớp thuỷ tinh ngày một rạn dần
Khi chiếc gương vỡ thành hai nửa

mẹ vẫn soi khi chải tóc mình

Thời gian trôi, tóc mẹ dần nhuốm bạc
mẹ chẳng còn nhìn ngắm bản thân
Sống một mình đã quen, khi có người gõ cửa
mẹ đi ra cùng chiếc tạp dề đen

Tôi bước vào nhà. Giờ tôi không dám
không còn ai nơi ngưỡng cửa nắm tay tôi
Chiếc gương vẫn treo trên tường mà tôi không thấy
bởi lệ trào nhoè ướt mắt tôi.

Lương Duyên Tâm dịch

 

Jaroslav Seifert

Tĩnh vật của mẹ  

Chiếc đê khâu, mấy cái kim
Vài cuộn chỉ, cặp kính cũ
Tôi đã dùng chúng để đo thời gian
Mà thời gian ngày một lụi tàn

Thuở ấy mẹ thường thì thầm âu yếm
Con trai nhỏ yêu quý của mẹ
Mẹ sợ có ngày
Lũ trẻ hư ném đá sứt đầu con mất

Không, mẹ ơi, đầu con giờ vẫn nguyên lành
Cả đầu gối con cũng không có sẹo

Như mọi khi tôi lại tìm đến bên mẹ và thổn thức
Nước mắt ứa ra bàn tay mẹ dịu dàng
Như máu rỉ từ vết thương cũ
Thấm ra lớp băng mềm

Bao nhiêu chiếc cúc mẹ đơm cho tôi
Bao nhiêu đường kim mẹ từng khâu vá
Bao nhiêu cái hôn mẹ đã cưng chiều
Vậy mà tôi chưa đền đáp mẹ

Xin vĩnh biệt quãng thời gian đã mất
Những tháng ngày ngỡ đã lãng quên
Thời gian qua đi không bao giờ trở lại
Mà sao tôi vẫn cứ kiếm tìm.

Lương Duyên Tâm dịch
 


Jaroslav Seifert

 
Bên cửa sổ

Mùa xuân đến, nắng xuân rực rỡ
cây nở hoa dưới ánh mặt trời

Mẹ lặng lẽ bên ô cửa sổ

ngoảnh mặt che dòng lệ tuôn rơi.

 

- Mẹ ơi mẹ, vì sao mẹ khóc?

Hãy nói con hay, mẹ thương tiếc điều chi?

- Mẹ sẽ nói cho con hay, mẹ sẽ

nói cho con khi cây ngừng nở hoa.

 

Rồi tuyết rơi làm mờ cửa kính

Mẹ khóc thầm trong ánh sáng nhạt nhòa

- Mẹ ơi mẹ, vì sao mẹ khóc?

Hay mẹ đang thương tiếc điều chi?

- Mẹ sẽ nói cho con hay, mẹ sẽ

Nói cho con khi tuyết ngừng rơi.

Lương Duyên Tâm dịch
 

Jaroslav Seifert

Bài ca  (Chim đưa thư)
 
Vẫy chiếc khăn trắng
Người chia ly

Mỗi ngày lại có một điều gì đó kết thúc

Một điều gì đó tuyệt vời không còn.

 

Con chim bồ câu đưa thư đập cánh vào không khí

Nó trở về nhà

Với niềm hy vọng và cả nỗi tuyệt vọng.

 

Hãy lau nước mắt đi em

Hãy cười bằng đôi mắt ứa lệ

Mỗi ngày lại có một điều gì đó bắt đầu

Một điều gì đó tuyệt vời khởi động.


Lương Duyên Tâm dịch

 

 Jaroslav Seifert

Sao chổi Halley

Tôi chẳng nhìn thấy gì lúc ấy

Chỉ thấy những cái lưng và những cái đầu ngọ nguậy.

Phố xá đông ngẹt người.

Tôi cố bám vào bức tường như kẻ nghiện rượu cố nhấp ngụm cồn

Đúng lúc ấy một bàn tay phụ nữ nắm tay tôi và tôi tiến lên vài bước

Trước mắt tôi mở ra một khoảng không gian sâu hút

Mà người ta gọi là bầu trời.

 

Những ngọn tháp nhà thờ hiện ra ở đường chân trời như được cắt bằng giấy thiếc

Phía trên là những vì sao đã tắt.

Kia kìa! Cháu có nhìn thấy không?
Có, cháu có thấy!
 
Trong đám tinh vân như quầng lửa nhấp nháy
Có một vì sao biến đi.
 
Đó là một buổi tối mùa xuân trung tuần tháng năm
Không gian ấm áp tỏa hương 
Tôi hít bầu không khí sực nức mùi thơm cùng những hạt bụi sao.
 
Tôi nhớ có lần, vào mùa hè, khi còn ở quê hương
Tôi đã  hít trộm mùi thơm những bông hoa huệ cao cao người ta bán ngoài chợ
Có ai đó cười tôi
Vì trên mặt tôi dính đầy phấn hoa vàng. 
 
 
Lương Duyên Tâm dịch từ nguyên bản tiếng Séc

Chú thích:  Sao chổi Halley là một trong số những sao chổi có chu kỳ ngắn nhất và có thể quan sát được từ trái đất bằng mắt thường. Cứ khoảng từ 75 đến 76 năm người ta lại thấy nó một lần. Lần xuất hiện gần đây nhất của sao chổi Halley là vào ngày 9-2-1986. Nhà thơ Jaroslav Seiffert có lẽ đã chứng kiến lần xuất hiện của sao chổi Halley ở chu kỳ trước đó, cụ thể là vào ngày 20-4-1910 (chứ không phải “trung tuần tháng 5” như tác giả nhớ nhầm). Hồi đó nhà thơ mới 9 tuổi.