Saturday, September 14, 2013

Cuộc gặp mặt sau 45 năm


Cuộc gặp mặt sau 45 năm

Trưa 14-9-2013, tôi và bạn bè có mặt tại tại Nhà ăn 1-5, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, để dự  cuộc gặp mặt các cựu sinh viên và nghiên cứu sinh đã từng sang Tiệp khắc năm 1968. Đã 45 năm trôi qua kể từ mùa thu năm ấy, khi chúng tôi bước lên con tàu liên vận với hành trình Hà Nội - Ostrava. Từ đó đến nay đã có bao nhiêu sự kiện xảy ra đối với nước Việt Nam và nước Tiệp Khắc cũ cũng như đối với mỗi người. Sự kiện này chồng lên sự kiện khác. Vậy mà chúng tôi vẫn nhớ rõ chuyến đi này bởi nó là một trong những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời chúng tôi.

 
Những người khởi xướng cuộc gặp mặt là 3 cựu nghiên cứu sinh, anh Tùng, anh Thưởng và anh Lương. Anh Tùng nói, những người sang Tiệp Khắc năm 1968 giờ đây đều đã trên 60 tuổi, nghĩa là đều đã già, mà người già thường sống bằng kỷ niệm, vì vậy một cuộc gặp mặt như thế này là điều rất có ý nghĩa. Anh muốn mọi người gặp nhau thường xuyên hơn. Đáp lời anh Tùng, hầu như tất cả mọi người đều đồng ý rằng mỗi năm nên gặp nhau một lần. Thật thú vị khi gặp lại những gương mặt mà ta đã từng quen biết thời thanh xuân. Tuy mọi người ai cũng già đi nhưng những nét đặc trưng tạo nên bản sắc từng cá thể hầu như không mấy thay đổi. Tiếc là số người biết về cuộc gặp mặt quá ít. Ai cũng hy vọng, những cuộc gặp mặt sau này sẽ đông đủ hơn.

 
Trong chuyến đi Tiệp Khắc năm 1968 ấy chúng tôi đã gặp nhiều sự kiện đặc biệt. Ngay khi vào đất Trung Quốc không bao lâu chúng tôi đã gặp trắc trở. Nếu tôi nhớ không nhầm thì, vừa qua thành phố Bằng Tường một đoạn, chúng tôi được tin đường sắt liên vận ở gần Nam Ninh bị phá hoại, tàu không thể đi tiếp được nữa. Lúc đó tại Trung Quốc đang diễn ra Cách mạng văn hóa, có thể người dân vùng này đã phá đường sắt để chống lại cuộc cách mạng này. Rốt cuộc, người ta quyết định chở chúng tôi bằng xe buýt tới thành phố cảng Trạm Giang, và từ đó lên tàu thủy ra biển, rồi ngược sông Châu Giang tới Quảng Châu để đi tiếp bằng tàu hỏa. Đoạn đường vòng này làm chúng tôi mất thêm vài ngày đi đường nhưng lại khiến chúng tôi có dịp chứng kiến tận mắt cuộc Cách mạng văn hóa ở Trung quốc với các màn đấu tố và tra tấn người của đám Hồng vệ binh. Đến Ostrava, chúng tôi lại trở thành nhân chứng của một sự kiện lớn nữa, đó là cuộc xâm nhập của quân đội khối Varsava vào Tiệp Khắc. Vừa mới chân ướt chân ráo đến Ostrava hôm trước, hôm sau chúng tôi đã thấy xe tăng Nga đậu đầy vườn hoa và quảng trường. Những sự kiện long trời lở đất ấy giờ đây đã trở thành một phần của lịch sử, đồng thời để lại những ký ức không phai mờ trong cuộc đời chúng tôi.

 
Tại cuộc gặp mặt, tôi may mắn được gặp lại nhiều bạn bè, trong đó có cả những người đã  từng cư trú cùng mình nhiều năm tại ký túc xá Větrník ở khu Petřiny, Praha 6. Kỷ niệm về những năm tháng sống tại ký túc xá này đã được tôi nhắc đến trong bài “40 năm sau gặp lại” đăng trên blog của mình. Các bạn Hiền, Đức, Lộc, Thắng, Văn đều khỏe mạnh, thành đạt và đều đã có con cháu đề huề. Tôi có cảm giác, các bạn ấy đều còn rất trẻ. Thời gian dường như chỉ có thể khiến khuôn mặt các bạn ấy có thêm vài nếp nhăn chứ nó đã không thể lấy đi tính năng động trẻ trung của họ. Chỉ tiếc một điều là “những ngày xưa thân ái” đã qua rồi và nó vĩnh viễn không bao giờ quay trở lại.

 

Sau đây là một số bức ảnh về cuộc gặp mặt.


Monday, September 9, 2013

Thơ vẫn cần cho cuộc đời này.(Xem bộ phim Thơ của đạo diễn Hàn Quốc Lee Changdong)


Thơ vẫn cần cho cuộc đời này
(Xem bộ phim Thơ của đạo diễn Hàn Quốc Lee Changdong)

 
Mới đây, tình cờ, tôi được xem trên truyền hình bộ phim Thơ (Tiếng Hàn là , tiếng Anh là Poetry)  của đạo diễn Lee Changdong, người được coi là một trong số những đạo diễn xuất sắc nhất châu Á hiện nay. Đúng là danh bất hư truyền. Chỉ qua bộ phim Thơ và bộ phim Tia nắng bí mật, người ta có thể xếp Lee Changdong vào nhóm đạo diễn tài năng xuất chúng, ngang hàng với các nhà làm phim bậc thầy của châu lục như Akira Kurosawa, Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca … Bộ phim Thơ là một câu chuyện buồn, nó có thể khiến những người đa cảm rơi nước mắt. Xem phim mới thấy, thì ra thơ, hay đúng ra là những tâm hồn thơ, vẫn cần cho cuộc đời này, cho dù, như lời một nhân vật trong phim nói, “ngày nay thơ đang hấp hối”.

Chuyện phim khá đơn giản, nhưng chứa đựng nhiều tình tiết bất ngờ. Nhân vật chính, bà Mija (do nữ diễn viên Yoon Jeong-hee đóng), là một phụ nữ 67 tuổi, sống cùng đứa cháu trai 14 tuổi, trong một căn hộ nhỏ bé và nghèo nàn tại một khu phố bình dị. Con gái bà, một phụ nữ trẻ đơn thân, làm việc tại một thành phố cách đó vài trăm cây số. Để có thêm thu nhập, bà Mija phải làm thêm việc tắm rửa và phục dịch cho một ông già bị bệnh bại liệt. Phim mở đầu với khung cảnh êm đềm của vùng ngoại ô, bên bờ một con sông. Trong khi cùng mấy đứa bạn đồng trang lứa chơi đùa trên đám đất bên bờ sông thì một đứa con trai tình cờ nhìn thấy xác một cô gái trong bộ đồng phục nữ sinh trôi trên sông. Cô gái ấy chính là chị ruột của cậu bé. Cái chết của cô nữ sinh  trong một xã hội tưởng như hoàn toàn bình yên ấy đã trở thành nỗi đau không chỉ giày vò lương tâm bà Mija mà còn đè nặng lên trái tim khán giả.

Trong phim, bà Mija, tuy đã gần 70 nhưng vẫn được người ta khen là một phụ nữ đẹp. Bà là một người đỏm dáng, thường mặc những bộ váy áo thêu thùa hoa lá và đi lại khoan thai như một quý bà. Mặc dù cuộc sống đối với bà chẳng dễ dàng gì nhưng bà vẫn tỏ ra thanh thản, yêu đời. Giữa lúc đang sống trong hoàn cảnh tuổi già cô đơn, đương đầu với nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, một căn bệnh thoái hóa não, gây ra chứng lú lẫn và sa sút trí tuệ ở người cao tuổi, với biểu hiện quên dần các từ ngữ cơ bản, bà nảy ra ý định làm thơ. Và bà đã ghi danh vào học lớp học làm thơ tại một trung tâm giáo dục cộng đồng, do một nhà thơ giảng dạy. Thế nhưng đúng lúc bà bắt đầu say mê thơ thì tai họa giáng xuống: Bà được tin đứa cháu ngoại, một cậu bé tuổi vị thành niên tính tình lười biếng, lỳ lợm  và vô trách nhiệm, đã cùng đám bạn học của nó gây ra một tội ác khủng khiếp. Nó cùng 5 đứa bạn khác đã liên tục cưỡng hiếp một nữ sinh cùng trường, cô bé Agnes, suốt 6 tháng tại một phòng thí nghiệm, khiến nạn nhân phải tự vẫn. Người nhà nạn nhân biết được nguyên nhân con gái họ quyên sinh sau khi đọc cuốn nhật ký mà cô gái để lại và họ định tố cáo những kẻ đã gây tội ác. Để ngăn không cho câu chuyện vỡ lở, phụ huynh của 5 đứa trẻ mời bà Mija dự cuộc họp để bàn về việc bồi thường cho mẹ cô gái xấu số 30 triệu won. Nghĩa là, chia đều ra, mỗi phụ huynh phải nộp 5 triệu won(tương đương 100 triệu đồng Việt Nam). Đây là số tiền quá lớn đối với bà Mija. Các phụ huynh khác đề nghị bà Mija gọi điện cho mẹ cậu bé, để cô lo đóng góp số tiền này, nhưng bà không làm điều đó, có thể vì bà thương con gái, hoặc bà biết con gái bà không thể kiếm được số tiền lớn như vậy.

Mija vốn là một phụ nữ mơ mộng. Sở dĩ ở tuổi 67 bà bỗng nảy ra ý định làm thơ là vì hồi còn nhỏ một cô giáo nói với bà là bà có tâm hồn của một thi sĩ. Bất chấp việc phải đương đầu với cú sốc khủng khiếp và sức ép phải kiếm cho ra số tiền lớn để bồi thường cho gia đình nạn nhân, bà vẫn tiếp tục theo học lớp làm thơ. Không chỉ có vậy, bà còn nung nấu quyết tâm làm cho được một bài thơ trước khi lớp học kết thúc. Để thực hiện điều đó, bà bắt đầu chú ý quan sát kỹ lưỡng thế giới xung quanh, từ quả táo mà bà sắp ăn cho tới cái cây trên hè phố gần nhà, mỗi khi nảy ra ý thơ nào hay bà đều ghi vào một cuốn sổ nhỏ. Nhờ chăm chú quan sát, bà bỗng khám phá ra rằng, thế giới xung quanh thật đẹp. Thế là, trong khi cha mẹ năm đứa trẻ kia tìm mọi cách giấu giếm lỗi lầm của con mình, để tội ác mà chúng gây ra được giấu kín, thì bà Mija vẫn chỉ chú tâm vào việc làm thơ, như thể bà đã bị thi ca ám ảnh.

Không ai ngờ một xã hội bình yên lại có thể sinh ra những đứa trẻ vô cảm, độc ác và vô trách nhiệm đến như vậy. Phải chăng đó là vì người ta đang sống trong một xã hội giả dối và quá thực dụng, khiến con người không còn để ý đến vẻ đẹp của thiên nhiên và những điều tốt đẹp khác. Trong cái thế giới vô cảm đó, dường như chỉ có bà Mija và một số người mơ mộng như bà là vẫn cố tìm kiếm những vẻ đẹp của cuộc sống. Cho dù rất đau khổ bởi sự vô tâm, không hề biết ân hận của đứa cháu, bà Mija vẫn có đủ sự kiên nhẫn để  hoàn thành bài thơ trước khi khóa học kết thúc. Thông qua việc làm thơ, bà Mija đã tìm ra ý nghĩa của cuộc đời.

Phim Thơ có nhiều tình tiết bất ngờ. Khán giả ngạc nhiên khi thấy một bà già đang có nguy cơ lâm vào tình trạng lú lẫn bỗng đăng ký vào lớp học làm thơ. Cảnh một ông già bị liệt không thể tự tắm rửa cho mình được, có lẽ do hậu quả của cú đột quỵ nào đó, vẫn ao ước được người phụ nữ đứng tuổi thỏa mãn tình dục có thể khiến khán giả sửng sốt.  Người ta cũng có thể đặt câu hỏi, liệu một phụ nữ đoan trang đã 67 tuổi trong hoàn cảnh bức bách về tài chính có thể hy sinh đức hạnh để giải quyết bế tắc hay không?  Trong bộ phim này, đạo diễn dường như chỉ muốn đóng vai người kể chuyện chứ không muốn làm người rao giảng đạo đức.

Rốt cuộc thì bà Mija vẫn kịp làm được bài thơ khi lớp học kết thúc. Trước đó, mặc dù đã lo đủ tiền bồi thường cho mẹ cô gái xấu số nhưng bà vẫn quyết định nói cho viên cảnh sát, một người bạn cùng học làm thơ với mình, về tội ác của đứa cháu và đám bạn của nó. Đối với những người trung thực như bà thì đây là quyết định tất yếu. Để cho xã hội tử tế và bình yên, người ta không thể dùng tiền để che đậy tội ác. Những kẻ gây tội ác cần phải bị trừng phạt.Trước khi đứa cháu bị bắt, bà Mija đãi nó món ăn mà nó thích nhất, giục nó tắm rửa, cắt móng chân móng tay, sau đó gọi con gái về.

Phim kết thúc bằng cảnh thầy giáo dạy làm thơ đọc bài thơ của bà Mija nhan đề “ Bài ca của Agnes” trong buổi học cuối cùng. Trong khi đó người ta không biết bà Mija đang ở đâu và số phận của bà ra sao. Dựa theo những hình ảnh trong phim, khán giả có thể đoán, bà Mija đang đứng trên một cây cầu và từ đó nhìn xuống dòng sông chảy xiết, nơi cô nữ sinh xấu số Agnes đã quyên sinh. Nơi ấy  có dòng nước trong xanh đang cuồn cuộn chảy. Dòng nước ấy trôi mãi, trôi mãi không ngừng, mang theo cả niềm vui và nỗi khổ đau của cuộc đời.

Ý tưởng dàn dựng bộ phim Thơ đã được đạo diễn Lee Chang-dong thai nghén từ lâu, sau khi ông được biết câu chuyện trong đời thực về một cô nữ sinh ở một thành phố nhỏ bị một nhóm trẻ vị thành niên hãm hiếp. Đạo diễn Lee Chang-dong cho biết, sở dĩ ông đưa thơ vào điện ảnh vì nghĩ rằng, cuộc sống dù xấu xa đến đâu thì ở một nơi nào đó vẫn tồn tại những tâm hồn thơ cao đẹp, quý phái.

Kịch bản phim Thơ được đạo diễn Lee Chang-dong viết dành riêng cho nữ diễn viên Yoon Jeong-hee, người đã từng nổi tiếng ở Hàn Quốc trong các thập niên 1960 và 1970, nhưng sau đó đã nghỉ đóng phim một thời gian dài. Bà Yoon Jeong-hee đã hoàn thành xuất sắc vai diễn này. Cả bộ phim lẫn diễn viên chính và diễn viên phụ đều đã được tặng nhiều giải thưởng danh giá. Riêng đạo diễn Lee Changdong thì được Ban giám khảo Liên hoan phim Cannes năm 2010 trao giải kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất. Hồi đó, một số nhà phê bình đã lấy làm tiếc là phim Thơ không đoạt giải Cành cọ vàng.  Có người đánh giá, bộ phim Thơ thậm chí còn hay hơn cả Tia nắng bí mật, một bộ phim cũng của Lee Chang-dong đã từng được đề cử  giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes năm 2007.

Cũng cần phải nói thêm là đạo diễn Lee Chang-dong trước khi  bước vào điện ảnh đã là một nhà văn nổi tiếng. Ông cũng đã từng đảm nhiệm chức Bộ trưởng Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc từ năm 2003 đến năm 2004.

Thơ là một bộ phim hay. Ai chưa thưởng thức hãy tìm xem.

Lương Duyên Tâm

 

 

 

 

Monday, September 2, 2013

8 bài thơ của Jan Skacel, Lương Duyên Tâm dịch


8 bài thơ của Jan Skacel

 

 

Jan Skacel (1922-1989) là một trong số những nhà thơ chủ chốt trong văn học Séc nửa sau thế kỷ 20. Ông cũng là nhân vật có vai trò quan trọng trong đời sống văn học Tiệp Khắc với tư cách là Tổng biên tập tạp chí Host do domu trong các năm từ 1963 đến 1969. Sau phong trào Mùa xuân Praha năm 1968, Jan Skacel nằm trong danh sách các nhà văn bị cấm xuất bản các tác phẩm của mình và mãi cho đến giữa thập niên 1980 ông mới xuất hiện trở lại trong đời sống văn học Séc. Trong số các tác phẩm mà Jan Skácel đã xuất bản có các tập thơ: Điều gì còn lại của thiên thần, Niềm hy vọng với đôi cánh gỗ dẻ, Ai uống rượu vang trong bóng tối …Dưới đây là 8 bài thơ của Jan Skacel do Lương Duyên Tâm dịch từ nguyên bản tiếng Séc, một số đã được in trong tạp chí Thơ của Hội nhà văn Việt Nam.

 

Ảnh: Nhà thơ Jan Skacel

 

 

Jan Skacel

 

Cầu nguyện cho nước

 

 

Ngày càng ít những nơi chốn để những người yêu thuở xưa đi lấy nước

những con hưu thỏa mãn cơn khát, những con ếch sinh tồn

những người hành hương cúi xuống vốc nước

 

Nước vẫn còn nhớ điều đó

nước thật đẹp

nước của tôi

nước của tôi tóc buông xõa

hãy che chở nước của tôi

xin đừng làm đui mù chiếc gương soi của trời sao

 

Hãy dẫn đến nước con ngựa nhỏ

hãy dẫn đến nước con ngựa đen tuyền như đêm

nước buồn đau

nước của tôi

nước của tôi tóc rối

ai đó lặn xuống tận đáy, chạm tới những ngôi sao vì một chiếc nhẫn

 

Nước là góa phụ buồn rầu

nước của tôi

nước tro tàn tóc xõa của tôi

nước than phiền oán trách chúng ta.

 

                                         Lương Duyên Tâm dịch

 

 

 

Jan Skacel

 

Con đường có hai hàng cây nở hoa

 

Trên con đường giữa hai hàng cây đang nở hoa trắng

chúng tôi nín thở.

Như tuyết trong những bông hoa

trên tán cây cao.

 

Những cái cây

kiêu hãnh đón chào sự sống.

Chúng gìn giữ không biết mệt mỏi

năng lực nở hoa của mình

 

Tôi đập vỡ ngôn từ

như đập đá trên công trường.

Vợ tôi chỉ nói:

Em muốn được sống trong cái cây này.

 

                         Lương Duyên Tâm dịch

 

 

 

Jan Skacel

 

Hè muộn

 

Ngày hôm qua bay trong không khí sợi tóc bạc đầu tiên.

Ngân vang

khi từ từ rơi xuống đất

và những ngôn từ

thô nháp không khuất phục

mắc trong cổ họng tôi như xương cá.

 

Mùa hè của ta

mi đã hoa râm rồi sao?

 

Rồi ngày mai mùa thu sẽ tới

rồi cây cối sẽ bay đi

rồi chúng ta sẽ hỏi

đi về đâu và hướng tới ai.

 

Rồi sự lặng câm, khổ sở như lũ chuột đồng

đây đó sau lưng ta huýt sáo.

 

Mùa hè của ta

mi đã hoa râm rồi sao?

 

                            Lương Duyên Tâm dịch

 

 

 

Jan Skacel

 

Nhân vật nổi bật

 

Tôi mua một cái bình tưới nước

cho dù tôi không phải là người làm vườn

cũng không chăm sóc mộ

tôi mua nó chỉ vì tôi thích

nó mới và sáng loáng

tôi không làm điều dại dột

 

Tôi cầm cái bình không gói gém

để mọi người nhìn thấy

rằng tôi có nó

nhất định sẽ có người ghen tị với tôi

tôi biết vậy

 

Họ sẽ nói: Này, xem kìa

anh ta có cái bình tưới nước đẹp chưa

nhưng anh ta mang đi đâu thế nhỉ

và để làm gì?

 

Rốt cuộc tôi đã khơi dậy sự chú ý

của những người chẳng bao giờ để ý đến tôi

nhờ cái bình tưới nước tôi trở thành người được quan tâm

một nhân vật nổi bật.

 

                             Lương Duyên Tâm dịch

 

Jan Skacel


Tôi muốn nghe


 

Tận cùng mỗi bài hát


Kể cả những bài hát buồn bã nhất


Cũng như dưới đáy mỗi chiếc cốc


Tôi muốn nghe một tiếng leng keng khe khẽ.


Đôi khi nhiều


Đôi khi ít.


 


Tôi muốn nghe


Có trời biết vì sao


Tôi buộc phải chờ đợi để  nghe


Cái tiếng leng keng đó


Nếu không trái tim tôi lo sợ.


                 Lương Duyên Tâm dịch


 

 

 

 

Jan Skácel  

 

Niềm hy vọng có đôi cánh gỗ dẻ

 

 

Hãy đốt nến cho buổi sớm mai

Một buổi sáng xa lạ và còn chưa rõ mặt

Như thiên thần ngủ trong gỗ bồ đề

Chờ đời nhà điêu khắc.

 

Đôi khi thiên thần tức giận chúng ta

Chúng ta mỗi người ai cũng có thiên thần

Niềm hy vọng có đôi cánh bằng gỗ dẻ

Và trái tim bằng gỗ bồ đề.

 

                 Lương Duyên Tâm dịch

 

 

 

Jan Skacel

Đám tang Jaroslav Seifert

 

Mọi người vẫn còn đang thả những hòn đất xuống huyệt

Để đất quê hương đè lên anh nhiều hơn.

Những người lái xe nổ máy dưới bức tường

Có vẻ như đang mưa nhỏ

 

Nghĩa trang trở nên vắng vẻ

Im ắng

Như có ai đó thả chó trong sân nhà mình

 

Và khi bóng tối bao trùm

Nàng Victoria điên khùng xinh đẹp sẽ tới từ đập nước

Mái tóc nàng cài bông hoa súng.

 

                    Lương Duyên Tâm dịch

 

Jan Skácel 

 

Tục ngữ

 

 

Tôi lo lắng cho thế giới này đến nỗi

Tôi bắt đầu sáng tạo ra tục ngữ.

 

Có những chân lý dài và có những chân lý ngắn.

Nếu sự trừng phạt không đến ngay tức khắc,

Bạn có thể phải đi tù suốt đời vì tội lỗi của mình.

Không ai có thể không làm điều đã làm.

Không ai có thể viết bài hát

Cho một cô gái mù và cho con chim không có cánh.

 

                    Lương Duyên Tâm dịch

 

Sunday, September 1, 2013

4 bài thơ của Vitesslav Nezval


4 bài thơ của Vitesslav Nezval

Viteslav Nezval (1900-1958) là một trong số những nhà thơ lớn của dân tộc Séc, người đã từng đi tiên phong trong một số trào lưu thơ ca hồi thế kỷ 20, trong đó có trào lưu siêu thực. Ông cũng nổi tiếng là thi sĩ viết khỏe. Trong số các tác phẩm của ông có các tập thơ: Abeceda, Pantomima, Tháng năm, Akrobat, Chữ đề trên mộ, Năm ngón tay, Phụ nữ trong số nhiều, Praha với những ngón tay mưa, Mẹ hy vọng, Tiếng hát hòa bình, Lời từ biệt và chiếc khăn, Edison, Bài ca hoà bình, Người khách đêm, Manon Lescaut, Valerie và tuần lễ kỳ diệu...

 

Ảnh: Nhà thơ Viteslav Nezval

 

Viteslav Nezval

Tháng chín

Mùa thu đã trả lá

Cho phí tổn của mình

Đã hết rồi tình yêu

Đã hết rồi căm ghét,

Mùa thu đã trả lá

Và sẽ không quay về

 

Từ đôi mắt của em

Có gì rơi như lá

Công viên thì vắng vẻ

Lối đi thì hoang vu

Từ mắt em lệ nhỏ

Lá rơi từ tổ chim.

 

Lương Duyên Tâm dịch từ nguyên bản tiếng Séc

 

 

Viteslav Nezval


Đôi mắt em chung thủy


 


Ngày ngày anh tìm kiếm


Đôi mắt đẹp của em


Anh không bao giờ quên


Cũng không rời bỏ chúng.


 


Ngày ngày anh tin tưởng


Sẽ cùng đôi mắt em


Đi suốt cuộc đời mình


Có điều đôi mắt ấy


Vẫn chưa thuộc về anh.


 


Đôi mắt đẹp của em


Đang ở đâu, ở đâu


Chúng mang đến cho anh


Niềm hạnh phúc vô cùng.


 


Như bản nhạc không lời


Như ngọn gió ngân nga


Đôi mắt đẹp của em


Không bao giờ phản bội.


 


Lương Duyên Tâm dịch từ nguyên bản tiếng Séc


 

 

Viteslav Nezval

Khoảnh khắc

 

Em yêu, trong miệng em có quả anh đào chín mọng

Có ngon không anh?

Buổi chiều hôm ấy cũng như hôm nay

Sẽ không quay trở lại.

 

Em yêu

Trong miệng em có quả dâu tây

Trong mắt em có bông hoa thạch thảo

Suốt cuộc đời mình, từ những khoảnh khắc tình cờ ấy

Anh đã sống hạnh phúc tới ngày hôm nay.

 

Lương Duyên Tâm dịch từ nguyên bản tiếng Séc

 

 

Viteslav Nezval  

 

 

Xà phòng

 

 

Giống như trái tim người mẹ

Xà phòng làm tiêu tan cặn bã

Tỏa hương thơm như hoa hồng

Sủi bọt như tình yêu, nứt vỡ như nỗi đau.

 

 

Lương Duyên Tâm dịch từ nguyên tác tiếng Séc