Cuộc gặp mặt sau 45
năm
Trưa 14-9-2013, tôi và bạn bè có mặt tại tại Nhà ăn 1-5,
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, để dự
cuộc gặp mặt các cựu sinh viên và nghiên cứu sinh đã từng sang Tiệp khắc
năm 1968. Đã 45 năm trôi qua kể từ mùa thu năm ấy, khi chúng tôi bước lên con
tàu liên vận với hành trình Hà Nội -
Ostrava.
Từ đó đến nay đã có bao nhiêu sự kiện xảy ra đối với nước Việt
Nam và
nước Tiệp Khắc cũ cũng như đối với mỗi người. Sự kiện này chồng lên sự kiện
khác. Vậy mà chúng tôi vẫn nhớ rõ chuyến đi này bởi nó là một trong những dấu
mốc quan trọng trong cuộc đời chúng tôi.
Những người khởi xướng cuộc gặp mặt là 3 cựu nghiên cứu
sinh, anh Tùng, anh Thưởng và anh Lương. Anh Tùng nói, những người sang Tiệp
Khắc năm 1968 giờ đây đều đã trên 60 tuổi, nghĩa là đều đã già, mà người già
thường sống bằng kỷ niệm, vì vậy một cuộc gặp mặt như thế này là điều rất có ý
nghĩa. Anh muốn mọi người gặp nhau thường xuyên hơn. Đáp lời anh Tùng, hầu như
tất cả mọi người đều đồng ý rằng mỗi năm nên gặp nhau một lần. Thật thú vị khi
gặp lại những gương mặt mà ta đã từng quen biết thời thanh xuân. Tuy mọi người ai
cũng già đi nhưng những nét đặc trưng tạo nên bản sắc từng cá thể hầu như không
mấy thay đổi. Tiếc là số người biết về cuộc gặp mặt quá ít. Ai cũng hy vọng,
những cuộc gặp mặt sau này sẽ đông đủ hơn.
Trong chuyến đi Tiệp Khắc năm 1968 ấy chúng tôi đã gặp nhiều
sự kiện đặc biệt. Ngay khi vào đất Trung Quốc không bao lâu chúng tôi đã gặp
trắc trở. Nếu tôi nhớ không nhầm thì, vừa qua thành phố Bằng Tường một đoạn,
chúng tôi được tin đường sắt liên vận ở gần Nam Ninh bị phá hoại, tàu không thể
đi tiếp được nữa. Lúc đó tại Trung Quốc đang diễn ra Cách mạng văn hóa, có thể
người dân vùng này đã phá đường sắt để chống lại cuộc cách mạng này. Rốt cuộc,
người ta quyết định chở chúng tôi bằng xe buýt tới thành phố cảng Trạm Giang, và
từ đó lên tàu thủy ra biển, rồi ngược sông Châu Giang tới Quảng Châu để đi tiếp
bằng tàu hỏa. Đoạn đường vòng này làm chúng tôi mất thêm vài ngày đi đường
nhưng lại khiến chúng tôi có dịp chứng kiến tận mắt cuộc Cách mạng văn hóa ở
Trung quốc với các màn đấu tố và tra tấn người của đám Hồng vệ binh. Đến
Ostrava, chúng tôi lại trở thành nhân chứng của một sự kiện lớn nữa, đó là cuộc
xâm nhập của quân đội khối Varsava vào Tiệp Khắc. Vừa mới chân ướt chân ráo đến
Ostrava hôm trước, hôm sau chúng tôi đã thấy xe tăng Nga đậu đầy vườn hoa và
quảng trường. Những sự kiện long trời lở đất ấy giờ đây đã trở thành một phần
của lịch sử, đồng thời để lại những ký ức không phai mờ trong cuộc đời chúng
tôi.
Tại cuộc gặp mặt, tôi may mắn được gặp lại nhiều bạn bè,
trong đó có cả những người đã
từng cư
trú cùng mình nhiều năm tại ký túc xá
Větrník ở khu
Petřiny, Praha 6. Kỷ niệm về những năm
tháng sống tại ký túc xá này đã được tôi nhắc đến trong bài “40 năm sau gặp
lại” đăng trên blog của mình. Các bạn Hiền, Đức, Lộc, Thắng, Văn đều khỏe mạnh,
thành đạt và đều đã có con cháu đề huề. Tôi có cảm giác, các bạn ấy đều còn rất
trẻ. Thời gian dường như chỉ có thể khiến khuôn mặt các bạn ấy có thêm vài nếp
nhăn chứ nó đã không thể lấy đi tính năng động trẻ trung của họ. Chỉ tiếc một
điều là “những ngày xưa thân ái” đã qua rồi và nó vĩnh viễn không bao giờ quay
trở lại.
Sau đây là một số bức ảnh về cuộc gặp mặt.
No comments:
Post a Comment