Saturday, September 14, 2013

Cuộc gặp mặt sau 45 năm


Cuộc gặp mặt sau 45 năm

Trưa 14-9-2013, tôi và bạn bè có mặt tại tại Nhà ăn 1-5, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, để dự  cuộc gặp mặt các cựu sinh viên và nghiên cứu sinh đã từng sang Tiệp khắc năm 1968. Đã 45 năm trôi qua kể từ mùa thu năm ấy, khi chúng tôi bước lên con tàu liên vận với hành trình Hà Nội - Ostrava. Từ đó đến nay đã có bao nhiêu sự kiện xảy ra đối với nước Việt Nam và nước Tiệp Khắc cũ cũng như đối với mỗi người. Sự kiện này chồng lên sự kiện khác. Vậy mà chúng tôi vẫn nhớ rõ chuyến đi này bởi nó là một trong những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời chúng tôi.

 
Những người khởi xướng cuộc gặp mặt là 3 cựu nghiên cứu sinh, anh Tùng, anh Thưởng và anh Lương. Anh Tùng nói, những người sang Tiệp Khắc năm 1968 giờ đây đều đã trên 60 tuổi, nghĩa là đều đã già, mà người già thường sống bằng kỷ niệm, vì vậy một cuộc gặp mặt như thế này là điều rất có ý nghĩa. Anh muốn mọi người gặp nhau thường xuyên hơn. Đáp lời anh Tùng, hầu như tất cả mọi người đều đồng ý rằng mỗi năm nên gặp nhau một lần. Thật thú vị khi gặp lại những gương mặt mà ta đã từng quen biết thời thanh xuân. Tuy mọi người ai cũng già đi nhưng những nét đặc trưng tạo nên bản sắc từng cá thể hầu như không mấy thay đổi. Tiếc là số người biết về cuộc gặp mặt quá ít. Ai cũng hy vọng, những cuộc gặp mặt sau này sẽ đông đủ hơn.

 
Trong chuyến đi Tiệp Khắc năm 1968 ấy chúng tôi đã gặp nhiều sự kiện đặc biệt. Ngay khi vào đất Trung Quốc không bao lâu chúng tôi đã gặp trắc trở. Nếu tôi nhớ không nhầm thì, vừa qua thành phố Bằng Tường một đoạn, chúng tôi được tin đường sắt liên vận ở gần Nam Ninh bị phá hoại, tàu không thể đi tiếp được nữa. Lúc đó tại Trung Quốc đang diễn ra Cách mạng văn hóa, có thể người dân vùng này đã phá đường sắt để chống lại cuộc cách mạng này. Rốt cuộc, người ta quyết định chở chúng tôi bằng xe buýt tới thành phố cảng Trạm Giang, và từ đó lên tàu thủy ra biển, rồi ngược sông Châu Giang tới Quảng Châu để đi tiếp bằng tàu hỏa. Đoạn đường vòng này làm chúng tôi mất thêm vài ngày đi đường nhưng lại khiến chúng tôi có dịp chứng kiến tận mắt cuộc Cách mạng văn hóa ở Trung quốc với các màn đấu tố và tra tấn người của đám Hồng vệ binh. Đến Ostrava, chúng tôi lại trở thành nhân chứng của một sự kiện lớn nữa, đó là cuộc xâm nhập của quân đội khối Varsava vào Tiệp Khắc. Vừa mới chân ướt chân ráo đến Ostrava hôm trước, hôm sau chúng tôi đã thấy xe tăng Nga đậu đầy vườn hoa và quảng trường. Những sự kiện long trời lở đất ấy giờ đây đã trở thành một phần của lịch sử, đồng thời để lại những ký ức không phai mờ trong cuộc đời chúng tôi.

 
Tại cuộc gặp mặt, tôi may mắn được gặp lại nhiều bạn bè, trong đó có cả những người đã  từng cư trú cùng mình nhiều năm tại ký túc xá Větrník ở khu Petřiny, Praha 6. Kỷ niệm về những năm tháng sống tại ký túc xá này đã được tôi nhắc đến trong bài “40 năm sau gặp lại” đăng trên blog của mình. Các bạn Hiền, Đức, Lộc, Thắng, Văn đều khỏe mạnh, thành đạt và đều đã có con cháu đề huề. Tôi có cảm giác, các bạn ấy đều còn rất trẻ. Thời gian dường như chỉ có thể khiến khuôn mặt các bạn ấy có thêm vài nếp nhăn chứ nó đã không thể lấy đi tính năng động trẻ trung của họ. Chỉ tiếc một điều là “những ngày xưa thân ái” đã qua rồi và nó vĩnh viễn không bao giờ quay trở lại.

 

Sau đây là một số bức ảnh về cuộc gặp mặt.


Monday, September 9, 2013

Thơ vẫn cần cho cuộc đời này.(Xem bộ phim Thơ của đạo diễn Hàn Quốc Lee Changdong)


Thơ vẫn cần cho cuộc đời này
(Xem bộ phim Thơ của đạo diễn Hàn Quốc Lee Changdong)

 
Mới đây, tình cờ, tôi được xem trên truyền hình bộ phim Thơ (Tiếng Hàn là , tiếng Anh là Poetry)  của đạo diễn Lee Changdong, người được coi là một trong số những đạo diễn xuất sắc nhất châu Á hiện nay. Đúng là danh bất hư truyền. Chỉ qua bộ phim Thơ và bộ phim Tia nắng bí mật, người ta có thể xếp Lee Changdong vào nhóm đạo diễn tài năng xuất chúng, ngang hàng với các nhà làm phim bậc thầy của châu lục như Akira Kurosawa, Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca … Bộ phim Thơ là một câu chuyện buồn, nó có thể khiến những người đa cảm rơi nước mắt. Xem phim mới thấy, thì ra thơ, hay đúng ra là những tâm hồn thơ, vẫn cần cho cuộc đời này, cho dù, như lời một nhân vật trong phim nói, “ngày nay thơ đang hấp hối”.

Chuyện phim khá đơn giản, nhưng chứa đựng nhiều tình tiết bất ngờ. Nhân vật chính, bà Mija (do nữ diễn viên Yoon Jeong-hee đóng), là một phụ nữ 67 tuổi, sống cùng đứa cháu trai 14 tuổi, trong một căn hộ nhỏ bé và nghèo nàn tại một khu phố bình dị. Con gái bà, một phụ nữ trẻ đơn thân, làm việc tại một thành phố cách đó vài trăm cây số. Để có thêm thu nhập, bà Mija phải làm thêm việc tắm rửa và phục dịch cho một ông già bị bệnh bại liệt. Phim mở đầu với khung cảnh êm đềm của vùng ngoại ô, bên bờ một con sông. Trong khi cùng mấy đứa bạn đồng trang lứa chơi đùa trên đám đất bên bờ sông thì một đứa con trai tình cờ nhìn thấy xác một cô gái trong bộ đồng phục nữ sinh trôi trên sông. Cô gái ấy chính là chị ruột của cậu bé. Cái chết của cô nữ sinh  trong một xã hội tưởng như hoàn toàn bình yên ấy đã trở thành nỗi đau không chỉ giày vò lương tâm bà Mija mà còn đè nặng lên trái tim khán giả.

Trong phim, bà Mija, tuy đã gần 70 nhưng vẫn được người ta khen là một phụ nữ đẹp. Bà là một người đỏm dáng, thường mặc những bộ váy áo thêu thùa hoa lá và đi lại khoan thai như một quý bà. Mặc dù cuộc sống đối với bà chẳng dễ dàng gì nhưng bà vẫn tỏ ra thanh thản, yêu đời. Giữa lúc đang sống trong hoàn cảnh tuổi già cô đơn, đương đầu với nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, một căn bệnh thoái hóa não, gây ra chứng lú lẫn và sa sút trí tuệ ở người cao tuổi, với biểu hiện quên dần các từ ngữ cơ bản, bà nảy ra ý định làm thơ. Và bà đã ghi danh vào học lớp học làm thơ tại một trung tâm giáo dục cộng đồng, do một nhà thơ giảng dạy. Thế nhưng đúng lúc bà bắt đầu say mê thơ thì tai họa giáng xuống: Bà được tin đứa cháu ngoại, một cậu bé tuổi vị thành niên tính tình lười biếng, lỳ lợm  và vô trách nhiệm, đã cùng đám bạn học của nó gây ra một tội ác khủng khiếp. Nó cùng 5 đứa bạn khác đã liên tục cưỡng hiếp một nữ sinh cùng trường, cô bé Agnes, suốt 6 tháng tại một phòng thí nghiệm, khiến nạn nhân phải tự vẫn. Người nhà nạn nhân biết được nguyên nhân con gái họ quyên sinh sau khi đọc cuốn nhật ký mà cô gái để lại và họ định tố cáo những kẻ đã gây tội ác. Để ngăn không cho câu chuyện vỡ lở, phụ huynh của 5 đứa trẻ mời bà Mija dự cuộc họp để bàn về việc bồi thường cho mẹ cô gái xấu số 30 triệu won. Nghĩa là, chia đều ra, mỗi phụ huynh phải nộp 5 triệu won(tương đương 100 triệu đồng Việt Nam). Đây là số tiền quá lớn đối với bà Mija. Các phụ huynh khác đề nghị bà Mija gọi điện cho mẹ cậu bé, để cô lo đóng góp số tiền này, nhưng bà không làm điều đó, có thể vì bà thương con gái, hoặc bà biết con gái bà không thể kiếm được số tiền lớn như vậy.

Mija vốn là một phụ nữ mơ mộng. Sở dĩ ở tuổi 67 bà bỗng nảy ra ý định làm thơ là vì hồi còn nhỏ một cô giáo nói với bà là bà có tâm hồn của một thi sĩ. Bất chấp việc phải đương đầu với cú sốc khủng khiếp và sức ép phải kiếm cho ra số tiền lớn để bồi thường cho gia đình nạn nhân, bà vẫn tiếp tục theo học lớp làm thơ. Không chỉ có vậy, bà còn nung nấu quyết tâm làm cho được một bài thơ trước khi lớp học kết thúc. Để thực hiện điều đó, bà bắt đầu chú ý quan sát kỹ lưỡng thế giới xung quanh, từ quả táo mà bà sắp ăn cho tới cái cây trên hè phố gần nhà, mỗi khi nảy ra ý thơ nào hay bà đều ghi vào một cuốn sổ nhỏ. Nhờ chăm chú quan sát, bà bỗng khám phá ra rằng, thế giới xung quanh thật đẹp. Thế là, trong khi cha mẹ năm đứa trẻ kia tìm mọi cách giấu giếm lỗi lầm của con mình, để tội ác mà chúng gây ra được giấu kín, thì bà Mija vẫn chỉ chú tâm vào việc làm thơ, như thể bà đã bị thi ca ám ảnh.

Không ai ngờ một xã hội bình yên lại có thể sinh ra những đứa trẻ vô cảm, độc ác và vô trách nhiệm đến như vậy. Phải chăng đó là vì người ta đang sống trong một xã hội giả dối và quá thực dụng, khiến con người không còn để ý đến vẻ đẹp của thiên nhiên và những điều tốt đẹp khác. Trong cái thế giới vô cảm đó, dường như chỉ có bà Mija và một số người mơ mộng như bà là vẫn cố tìm kiếm những vẻ đẹp của cuộc sống. Cho dù rất đau khổ bởi sự vô tâm, không hề biết ân hận của đứa cháu, bà Mija vẫn có đủ sự kiên nhẫn để  hoàn thành bài thơ trước khi khóa học kết thúc. Thông qua việc làm thơ, bà Mija đã tìm ra ý nghĩa của cuộc đời.

Phim Thơ có nhiều tình tiết bất ngờ. Khán giả ngạc nhiên khi thấy một bà già đang có nguy cơ lâm vào tình trạng lú lẫn bỗng đăng ký vào lớp học làm thơ. Cảnh một ông già bị liệt không thể tự tắm rửa cho mình được, có lẽ do hậu quả của cú đột quỵ nào đó, vẫn ao ước được người phụ nữ đứng tuổi thỏa mãn tình dục có thể khiến khán giả sửng sốt.  Người ta cũng có thể đặt câu hỏi, liệu một phụ nữ đoan trang đã 67 tuổi trong hoàn cảnh bức bách về tài chính có thể hy sinh đức hạnh để giải quyết bế tắc hay không?  Trong bộ phim này, đạo diễn dường như chỉ muốn đóng vai người kể chuyện chứ không muốn làm người rao giảng đạo đức.

Rốt cuộc thì bà Mija vẫn kịp làm được bài thơ khi lớp học kết thúc. Trước đó, mặc dù đã lo đủ tiền bồi thường cho mẹ cô gái xấu số nhưng bà vẫn quyết định nói cho viên cảnh sát, một người bạn cùng học làm thơ với mình, về tội ác của đứa cháu và đám bạn của nó. Đối với những người trung thực như bà thì đây là quyết định tất yếu. Để cho xã hội tử tế và bình yên, người ta không thể dùng tiền để che đậy tội ác. Những kẻ gây tội ác cần phải bị trừng phạt.Trước khi đứa cháu bị bắt, bà Mija đãi nó món ăn mà nó thích nhất, giục nó tắm rửa, cắt móng chân móng tay, sau đó gọi con gái về.

Phim kết thúc bằng cảnh thầy giáo dạy làm thơ đọc bài thơ của bà Mija nhan đề “ Bài ca của Agnes” trong buổi học cuối cùng. Trong khi đó người ta không biết bà Mija đang ở đâu và số phận của bà ra sao. Dựa theo những hình ảnh trong phim, khán giả có thể đoán, bà Mija đang đứng trên một cây cầu và từ đó nhìn xuống dòng sông chảy xiết, nơi cô nữ sinh xấu số Agnes đã quyên sinh. Nơi ấy  có dòng nước trong xanh đang cuồn cuộn chảy. Dòng nước ấy trôi mãi, trôi mãi không ngừng, mang theo cả niềm vui và nỗi khổ đau của cuộc đời.

Ý tưởng dàn dựng bộ phim Thơ đã được đạo diễn Lee Chang-dong thai nghén từ lâu, sau khi ông được biết câu chuyện trong đời thực về một cô nữ sinh ở một thành phố nhỏ bị một nhóm trẻ vị thành niên hãm hiếp. Đạo diễn Lee Chang-dong cho biết, sở dĩ ông đưa thơ vào điện ảnh vì nghĩ rằng, cuộc sống dù xấu xa đến đâu thì ở một nơi nào đó vẫn tồn tại những tâm hồn thơ cao đẹp, quý phái.

Kịch bản phim Thơ được đạo diễn Lee Chang-dong viết dành riêng cho nữ diễn viên Yoon Jeong-hee, người đã từng nổi tiếng ở Hàn Quốc trong các thập niên 1960 và 1970, nhưng sau đó đã nghỉ đóng phim một thời gian dài. Bà Yoon Jeong-hee đã hoàn thành xuất sắc vai diễn này. Cả bộ phim lẫn diễn viên chính và diễn viên phụ đều đã được tặng nhiều giải thưởng danh giá. Riêng đạo diễn Lee Changdong thì được Ban giám khảo Liên hoan phim Cannes năm 2010 trao giải kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất. Hồi đó, một số nhà phê bình đã lấy làm tiếc là phim Thơ không đoạt giải Cành cọ vàng.  Có người đánh giá, bộ phim Thơ thậm chí còn hay hơn cả Tia nắng bí mật, một bộ phim cũng của Lee Chang-dong đã từng được đề cử  giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes năm 2007.

Cũng cần phải nói thêm là đạo diễn Lee Chang-dong trước khi  bước vào điện ảnh đã là một nhà văn nổi tiếng. Ông cũng đã từng đảm nhiệm chức Bộ trưởng Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc từ năm 2003 đến năm 2004.

Thơ là một bộ phim hay. Ai chưa thưởng thức hãy tìm xem.

Lương Duyên Tâm

 

 

 

 

Monday, September 2, 2013

8 bài thơ của Jan Skacel, Lương Duyên Tâm dịch


8 bài thơ của Jan Skacel

 

 

Jan Skacel (1922-1989) là một trong số những nhà thơ chủ chốt trong văn học Séc nửa sau thế kỷ 20. Ông cũng là nhân vật có vai trò quan trọng trong đời sống văn học Tiệp Khắc với tư cách là Tổng biên tập tạp chí Host do domu trong các năm từ 1963 đến 1969. Sau phong trào Mùa xuân Praha năm 1968, Jan Skacel nằm trong danh sách các nhà văn bị cấm xuất bản các tác phẩm của mình và mãi cho đến giữa thập niên 1980 ông mới xuất hiện trở lại trong đời sống văn học Séc. Trong số các tác phẩm mà Jan Skácel đã xuất bản có các tập thơ: Điều gì còn lại của thiên thần, Niềm hy vọng với đôi cánh gỗ dẻ, Ai uống rượu vang trong bóng tối …Dưới đây là 8 bài thơ của Jan Skacel do Lương Duyên Tâm dịch từ nguyên bản tiếng Séc, một số đã được in trong tạp chí Thơ của Hội nhà văn Việt Nam.

 

Ảnh: Nhà thơ Jan Skacel

 

 

Jan Skacel

 

Cầu nguyện cho nước

 

 

Ngày càng ít những nơi chốn để những người yêu thuở xưa đi lấy nước

những con hưu thỏa mãn cơn khát, những con ếch sinh tồn

những người hành hương cúi xuống vốc nước

 

Nước vẫn còn nhớ điều đó

nước thật đẹp

nước của tôi

nước của tôi tóc buông xõa

hãy che chở nước của tôi

xin đừng làm đui mù chiếc gương soi của trời sao

 

Hãy dẫn đến nước con ngựa nhỏ

hãy dẫn đến nước con ngựa đen tuyền như đêm

nước buồn đau

nước của tôi

nước của tôi tóc rối

ai đó lặn xuống tận đáy, chạm tới những ngôi sao vì một chiếc nhẫn

 

Nước là góa phụ buồn rầu

nước của tôi

nước tro tàn tóc xõa của tôi

nước than phiền oán trách chúng ta.

 

                                         Lương Duyên Tâm dịch

 

 

 

Jan Skacel

 

Con đường có hai hàng cây nở hoa

 

Trên con đường giữa hai hàng cây đang nở hoa trắng

chúng tôi nín thở.

Như tuyết trong những bông hoa

trên tán cây cao.

 

Những cái cây

kiêu hãnh đón chào sự sống.

Chúng gìn giữ không biết mệt mỏi

năng lực nở hoa của mình

 

Tôi đập vỡ ngôn từ

như đập đá trên công trường.

Vợ tôi chỉ nói:

Em muốn được sống trong cái cây này.

 

                         Lương Duyên Tâm dịch

 

 

 

Jan Skacel

 

Hè muộn

 

Ngày hôm qua bay trong không khí sợi tóc bạc đầu tiên.

Ngân vang

khi từ từ rơi xuống đất

và những ngôn từ

thô nháp không khuất phục

mắc trong cổ họng tôi như xương cá.

 

Mùa hè của ta

mi đã hoa râm rồi sao?

 

Rồi ngày mai mùa thu sẽ tới

rồi cây cối sẽ bay đi

rồi chúng ta sẽ hỏi

đi về đâu và hướng tới ai.

 

Rồi sự lặng câm, khổ sở như lũ chuột đồng

đây đó sau lưng ta huýt sáo.

 

Mùa hè của ta

mi đã hoa râm rồi sao?

 

                            Lương Duyên Tâm dịch

 

 

 

Jan Skacel

 

Nhân vật nổi bật

 

Tôi mua một cái bình tưới nước

cho dù tôi không phải là người làm vườn

cũng không chăm sóc mộ

tôi mua nó chỉ vì tôi thích

nó mới và sáng loáng

tôi không làm điều dại dột

 

Tôi cầm cái bình không gói gém

để mọi người nhìn thấy

rằng tôi có nó

nhất định sẽ có người ghen tị với tôi

tôi biết vậy

 

Họ sẽ nói: Này, xem kìa

anh ta có cái bình tưới nước đẹp chưa

nhưng anh ta mang đi đâu thế nhỉ

và để làm gì?

 

Rốt cuộc tôi đã khơi dậy sự chú ý

của những người chẳng bao giờ để ý đến tôi

nhờ cái bình tưới nước tôi trở thành người được quan tâm

một nhân vật nổi bật.

 

                             Lương Duyên Tâm dịch

 

Jan Skacel


Tôi muốn nghe


 

Tận cùng mỗi bài hát


Kể cả những bài hát buồn bã nhất


Cũng như dưới đáy mỗi chiếc cốc


Tôi muốn nghe một tiếng leng keng khe khẽ.


Đôi khi nhiều


Đôi khi ít.


 


Tôi muốn nghe


Có trời biết vì sao


Tôi buộc phải chờ đợi để  nghe


Cái tiếng leng keng đó


Nếu không trái tim tôi lo sợ.


                 Lương Duyên Tâm dịch


 

 

 

 

Jan Skácel  

 

Niềm hy vọng có đôi cánh gỗ dẻ

 

 

Hãy đốt nến cho buổi sớm mai

Một buổi sáng xa lạ và còn chưa rõ mặt

Như thiên thần ngủ trong gỗ bồ đề

Chờ đời nhà điêu khắc.

 

Đôi khi thiên thần tức giận chúng ta

Chúng ta mỗi người ai cũng có thiên thần

Niềm hy vọng có đôi cánh bằng gỗ dẻ

Và trái tim bằng gỗ bồ đề.

 

                 Lương Duyên Tâm dịch

 

 

 

Jan Skacel

Đám tang Jaroslav Seifert

 

Mọi người vẫn còn đang thả những hòn đất xuống huyệt

Để đất quê hương đè lên anh nhiều hơn.

Những người lái xe nổ máy dưới bức tường

Có vẻ như đang mưa nhỏ

 

Nghĩa trang trở nên vắng vẻ

Im ắng

Như có ai đó thả chó trong sân nhà mình

 

Và khi bóng tối bao trùm

Nàng Victoria điên khùng xinh đẹp sẽ tới từ đập nước

Mái tóc nàng cài bông hoa súng.

 

                    Lương Duyên Tâm dịch

 

Jan Skácel 

 

Tục ngữ

 

 

Tôi lo lắng cho thế giới này đến nỗi

Tôi bắt đầu sáng tạo ra tục ngữ.

 

Có những chân lý dài và có những chân lý ngắn.

Nếu sự trừng phạt không đến ngay tức khắc,

Bạn có thể phải đi tù suốt đời vì tội lỗi của mình.

Không ai có thể không làm điều đã làm.

Không ai có thể viết bài hát

Cho một cô gái mù và cho con chim không có cánh.

 

                    Lương Duyên Tâm dịch

 

Sunday, September 1, 2013

4 bài thơ của Vitesslav Nezval


4 bài thơ của Vitesslav Nezval

Viteslav Nezval (1900-1958) là một trong số những nhà thơ lớn của dân tộc Séc, người đã từng đi tiên phong trong một số trào lưu thơ ca hồi thế kỷ 20, trong đó có trào lưu siêu thực. Ông cũng nổi tiếng là thi sĩ viết khỏe. Trong số các tác phẩm của ông có các tập thơ: Abeceda, Pantomima, Tháng năm, Akrobat, Chữ đề trên mộ, Năm ngón tay, Phụ nữ trong số nhiều, Praha với những ngón tay mưa, Mẹ hy vọng, Tiếng hát hòa bình, Lời từ biệt và chiếc khăn, Edison, Bài ca hoà bình, Người khách đêm, Manon Lescaut, Valerie và tuần lễ kỳ diệu...

 

Ảnh: Nhà thơ Viteslav Nezval

 

Viteslav Nezval

Tháng chín

Mùa thu đã trả lá

Cho phí tổn của mình

Đã hết rồi tình yêu

Đã hết rồi căm ghét,

Mùa thu đã trả lá

Và sẽ không quay về

 

Từ đôi mắt của em

Có gì rơi như lá

Công viên thì vắng vẻ

Lối đi thì hoang vu

Từ mắt em lệ nhỏ

Lá rơi từ tổ chim.

 

Lương Duyên Tâm dịch từ nguyên bản tiếng Séc

 

 

Viteslav Nezval


Đôi mắt em chung thủy


 


Ngày ngày anh tìm kiếm


Đôi mắt đẹp của em


Anh không bao giờ quên


Cũng không rời bỏ chúng.


 


Ngày ngày anh tin tưởng


Sẽ cùng đôi mắt em


Đi suốt cuộc đời mình


Có điều đôi mắt ấy


Vẫn chưa thuộc về anh.


 


Đôi mắt đẹp của em


Đang ở đâu, ở đâu


Chúng mang đến cho anh


Niềm hạnh phúc vô cùng.


 


Như bản nhạc không lời


Như ngọn gió ngân nga


Đôi mắt đẹp của em


Không bao giờ phản bội.


 


Lương Duyên Tâm dịch từ nguyên bản tiếng Séc


 

 

Viteslav Nezval

Khoảnh khắc

 

Em yêu, trong miệng em có quả anh đào chín mọng

Có ngon không anh?

Buổi chiều hôm ấy cũng như hôm nay

Sẽ không quay trở lại.

 

Em yêu

Trong miệng em có quả dâu tây

Trong mắt em có bông hoa thạch thảo

Suốt cuộc đời mình, từ những khoảnh khắc tình cờ ấy

Anh đã sống hạnh phúc tới ngày hôm nay.

 

Lương Duyên Tâm dịch từ nguyên bản tiếng Séc

 

 

Viteslav Nezval  

 

 

Xà phòng

 

 

Giống như trái tim người mẹ

Xà phòng làm tiêu tan cặn bã

Tỏa hương thơm như hoa hồng

Sủi bọt như tình yêu, nứt vỡ như nỗi đau.

 

 

Lương Duyên Tâm dịch từ nguyên tác tiếng Séc

 

Monday, July 8, 2013

Chiến thắng lịch sử của Andy Murray


Chiến thắng lịch sử của Andy Murray

 

 

Cả nước Anh vui mừng sau khi tay vợt Andy Murray giành chiến thắng 3-0 (6-4, 7-5, 6-4),  trước tay vợt người Serbia Novak Djokovic trong trận chung kết giải quần vợt Wimbledon 2013, đem về chiếc cúp vô địch Wimbledon đầu tiên mà người Anh mong đợi suốt 77 năm qua. Kể từ chiến thắng của Fred Perry hồi năm 1936, giờ đây nước Anh mới có Andy Murray đăng quang ở giải Grand Slam trên quê hương mình. Đây là chiến thắng lịch sử không chỉ của Andy Murray mà cả của nước Anh.

 

Trong các trận đấu vòng ngoài và cả ở vòng bán kết, Andy Murray đã từng làm cho người Anh và những người hâm mộ anh thót tim bởi có những thời điểm anh suýt bị thua đối thủ. Nhưng, vào những thời khắc nguy hiểm nhất, bằng nỗ lực phi thường, anh đã vùng lên và giành chiến thắng ở những game quyết định.

 

Trận chung kết giữa Andy Murray và Novak Djokovic diễn ra đầy kịch tính. Hai tay vợt đã từng  thi đấu với nhau vài lần trong các giải Grand Slam nên biết khá rõ về nhau. Các trận đấu giữa họ thường diễn ra rất căng thẳng vì cả hai đều có các cú giao bóng mạnh và khả năng cứu bóng tài tình. Trong trận này cũng vậy. Họ giành giật nhau từng game một. Trong các trận đấu trước đây, Novak Djokovic có phần nhỉnh hơn. Anh đã thắng Andy Murray hai lần tại các trận chung kết giải Australia mở rộng các năm 2011 và 2013, trong khi Andy Murray chỉ thắng Novak Djokovic ở giải Mỹ mở rộng hồi năm 2012. Tuy nhiên lần này Andy Murray có nhiều cơ hội hơn. Anh được thi đấu trên sân nhà, với sự ủng hộ của hàng vạn khán giả. Trận đấu đã diễn ra đúng như nhự mong đợi của những người hâm mộ Andy Murray. Mặc dù Novak Djokovic kháng cự quyết liệt nhưng tay vợt này đã không sao ngăn được đà tiến của Andy Murray tới chức vô địch.

 

Trong các giải Grand Slam, các trận đấu với sự có mặt của bộ tứ Djokovic, Murray, Nadal, Federer thường diễn ra rất hấp dẫn. Riêng các trận đấu có Andy Muray hình như còn hấp dẫn hơn nữa bởi sự có mặt của cô Kim Sears, 25 tuổi, bạn gái của Murray. Cô gái này luôn có mặt trong tất cả các trận đấu của bạn trai và cổ động không biết mệt mỏi cho anh. Chắc chắn những lời động viên của cô có sức mạnh rất lớn đối với Andy Murray vì mỗi khi thực hiện được một pha bóng hay anh đều ngước mắt nhìn lên khán đài, nơi Kim Sears đang ngồi, với dáng vẻ tự hào. Có lẽ vì cô Kim Sears có khuôn mặt đẹp như thiên thần, hàm răng đều trắng như ngọc, và cặp mắt xanh thăm thẳm nên ống kính camera thường xuyên chĩa vào cô, biến cô  thành một phần của trận đấu. Cô Kim Sears như là hình ảnh tương phản của Ivan Lendl, huấn luyện viên Mỹ gốc Séc của Andy Muray Ông này có vẻ ngoài lạnh lùng, như thể ông không muốn bày tỏ cảm xúc. Thậm chí suốt các trận đấu, kể cả trận chung kết, ông hầu như không bao giờ cười hoặc vỗ tay. Ivan Lendl đã từng là cây vợt số 1 thế giới hồi thập niên 1980, đã đoạt 8 chức vô địch Grand Slam, trong đó có 2 chức vô địch Wimbledon.

 

Sau chiến thắng tại giải Wimbledon, rộ lên tin đồn Andy Murray sẽ cưới Kim Sears, cô bạn gái mà anh đã bắt đầu hò hẹn cách đây 7 năm và đã sống cùng từ năm 2010. Tuy nhiên, Murray nói anh chưa nghĩ đến chuyện đó.

 

Chúc mừng Andy Murray! Chúc nừng nước Anh!

 

Lương Duyên Tâm

 

 

Ảnh: - Andy Murray và chiếc cup Wimbledon

 

         - Cô Kim Sears, bạn gái của Andy Murray


Chiến thắng không dành cho người mau nước mắt!


Chiến thắng không dành cho người mau nước mắt!

Xem trận chung kết tennis nữ tranh ngôi vô địch Giải Grand Slam Wimbledon giữa hai cô gái Sabine Lisicki và Marion Bartoli, người ta thấy cô Sabine Lisicki thật đáng thương. Cô ấy khóc gần như suốt cả trận đấu vì những lỗi đánh bóng hỏng của mình. Trong trận này người ta không còn thấy ý chí kiên cường của tay vợt trẻ người Đức bộc lộ trong các trận đấu trước. Trong trận chung kết hôm 6-7-2013, mãi đến cuối trận, khi đã bị dồn đến bờ của bờ vực của thất bại, Lisicki mới vùng lên, vụt lóe sáng như một ngôi sao băng. Nhưng, lúc ấy đã quá muộn. Sau sét thứ nhất thua dễ dàng với tỷ số 1-6, rồi sét thứ hai bị thua tiếp với tỷ số 1-5, mặc dù đã chiến đấu kiên cường và thắng liền 3 game, rút ngắn tỷ số còn 4-5, cô vẫn phải chịu thua ở game cuối cùng để kết thúc sét hai với tỷ số 4-6. Thật tiếc cho tay vợt nữ trẻ người Đức. Cô đã thua quá dễ dàng và chóng vánh ở trận quyết định trước tay vợt người Pháp Marion Bartoli sau khi đã hạ một loạt các tay vợt sừng sỏ ở vòng ngoài, trong số đó có cả tay vợt nữ số một thế giới Serena Williams, chỉ vì tâm lý thi đấu không chắc chắn. Ở sét đầu và cả ở những game đầu của sét hai, cô đã đánh hỏng rất nhiều quả một cách khó hiểu. Thậm chí khán giả hầu như không còn được thấy những quả giao bóng đầy sức mạnh mà cô đã thực hiện trong các trận đấu trước. Thay vào đó, người ta chỉ thấy cô nước mắt lưng tròng, có khi vừa giao bóng vừa khóc. Có lẽ áp lực quá lớn của một trận chung kết ở một giải Grand Slam thuộc loại danh giá nhất hành tinh đã khiến cô bị choáng ngợp. Những lỗi thuộc loại unforced error của cô đã cho thấy điều này. Nếu ở những trận trước người ta thấy cô thật dễ thương, đặc biệt là nụ cười tỏa sáng của cô, thì ở trận này người ta chỉ thấy cô đáng thương. Ở những hoàn cảnh khác, nước mắt mang lại sự cảm thông, nhưng trong trận chung kết lần này nó khiến khán giả bối rối. Lẽ ra Sabine Lisicki cần phải mạnh mẽ hơn để vùng dậy ở ngay giữa sét đầu chứ không phải đến lúc bị dồn đến chân tường mới tung ra những cú đánh sở trường gây khó khăn cho đối thủ. Trong trận chung kết hôm qua, chiến thắng đã thuộc về kẻ cứng rắn, lỳ lợm, chứ không thuộc về người đa cảm, mau nước mắt! Nhưng không sao. Sabine Lisicki còn rất trẻ. Cô sẽ rút ra nhiều bài học từ trận chung kết Wimbledon năm nay. Thất bại này rất có thể sẽ là cây cầu đưa cô tới vinh quang trong tương lai.

Lương Duyên Tâm

Ảnh: Marion Bartoli và Sabine Lisicki

Saturday, July 6, 2013

Gần 40 năm sau gặp lại


Gần 40 năm sau gặp lại

 

Cách đây mấy hôm. anh Cường ( https://www.facebook.com/cuong.nguyenhung.16) dẫn tôi đến dự cuộc gặp mặt các cựu sinh viên từng là lưu học sinh học vật lý tại trường Đại học Karlova Univerzita, Praha, Tiệp Khắc. Anh Cường mới từ Sài Gòn ra. Anh nói, mỗi lần anh ra Bắc, hội cựu sinh viên ngành vật lý Karlova Univerzita đều tổ chức các buổi gặp gỡ. Được  biết, hội này năm nào cũng tổ chức gặp nhau ít nhất là một lần để hàn huyên, chia sẻ, nhờ vậy mọi người đều biết rõ về hoàn cảnh gia đình và công việc của nhau. Chỉ có tôi là chưa tham gia lần nào. Có lẽ vì muốn tôi hòa nhập với cộng đồng này nên anh Cường nói sẽ đến nhà tôi để rủ tôi cùng đi tới nơi tụ tập là nhà riêng của cặp vợ chồng Đức – Lộc.

Thế là đã gần 40 năm trôi qua. Đã có bao nhiêu nước sông Vltava chảy qua chân cầu Karlův! Trong thời gian đó nước Tiệp Khắc cũ đã trải qua nhiều biến động lớn. Một cuộc cách mạng nhung đã xảy ra. Thậm chí quốc gia này đã được chia đôi, và chế độ cộng sản đã không còn tồn tại cả ở Cộng hòa Séc và Slovakia. Chúng tôi, trừ vài người có dịp quay trở lại Praha, phần lớn không có điều kiện thăm lại đất nước đã từng cưu mang mình. Tuy ở xa Praha nhưng mỗi khi có dịp gặp nhau chúng tôi thường nhắc lại những kỷ niệm hồi còn học tập ở thành phố này. Đối với đa số chúng tôi, đó là những ký ức thật sự tươi đẹp vì nó gắn liền với tuổi thanh xuân của mình.
 
Cùng đến nhà tôi với anh Cường còn có Tấn, cũng là cựu sinh viên khoa Toán – Lý, Karlova Univerzita. Tay này hiện đã là giáo sư tiến sĩ toán. Tôi biết Tấn khá rõ vì cùng quê Thái Bình, đã từng gặp nhau hồi học lớp 10, khi hai đứa tham gia đội tuyển học sinh cấp 3 tỉnh Thái Bình tham dự kỳ thi học sinh giỏi miền Bắc năm 1968. Sau đó, khi tới Praha, tôi và Tấn có thời kỳ là bạn cùng phòng hoặc cùng ở một ký túc xá trong nhiều năm. Còn với anh Cường, tôi quen anh vì ngoài việc anh cùng học với tôi ở Praha, cô Liên, vợ anh là bạn của Nhơn, vợ tôi. Ngày xưa  hai nhân vật này đã có thời cùng học ở Budapest, Hungaria. Trước khi rủ tôi đi dự cuộc gặp mặt, anh Cường nói đùa: “ Ngoài 60 tuổi rồi, những người quen cũ đã bắt đầu lần lượt ra đi. Năm ngoái anh Thường, Năm nay anh Việt ( Hồ Đức Việt).  Không biết sắp tới sẽ còn ai nữa. Cần tận dụng các cơ hội để gặp gỡ nhau, biết đâu sau này không còn dịp nào nữa”.

Nhà vợ chồng Đức – Lộc ở trong một cái ngõ gần đường Hoàng Quốc Việt. Thấy cái nhà  3 tầng khang trang, mặt tiền rộng hơn 5 mét, ngõ khá rộng và khu dân trí cao mà mừng cho hai bạn.. Đức trước học vật lý Karlova Univerzita, còn Lộc học Đại học kỹ thuật Praha (ČVUT). Thực ra Lộc đã có thời học vật lý với  chúng tôi, thậm chí đã có thời gian ở cùng phòng với tôi tại ký túc xá Větrník, Praha 6. Sau một năm học ở Karlova Univerzita, anh chuyển sang học ở ČVUT. Khi Lộc còn làm ở Đài truyền hình VN, tôi thường gặp anh tại các sự kiện quốc tế lớn có sự tham gia của truyền thông nước ngoài như Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh Á- Âu (ASEM)... nên hai người không còn lạ lẫm gì. Đức và Lộc đã thành cặp khi còn ở Praha. Giờ thì hai người đã con cái đề huề và đều đã nghỉ hưu. Vẫn giữ thói quen thường xuyên tập luyện thể thao từ hồi còn ở Tiệp Khắc, hàng ngày, đều đặn vào các buổi chiều, Lộc vác vợt đi đánh tennis tại sân chơi gần nhà. Đức có dáng vẻ của một bà nội trợ đảm đang. Nhìn thấy Đức, tôi lại nhớ hình ảnh cô bạn thuở sinh viên năm nào, với cặp mắt trong nhiều biểu cảm và hai dải tóc đuôi sam đặc trưng của các nữ sinh viên hồi đó. Đức nhận ra tôi ngay dù đã lâu lắm không gặp nhau. Đức là người có phong cách giản dị. Trước đây cũng như bây giờ, sự chân thành như tỏa ra từ vẻ ngoài điềm đạm của bạn ấy.

Ngoài Đức và Lộc, người tôi nhận ra ngay là ra anh Đạt. Anh không khác nhiều so với hồi còn là sinh viên, trừ mái tóc đã bạc trắng. Tính anh Đạt vẫn trẻ trung và  hiền hậu như cách đây gần 40 năm, hồi còn ở Praha. Bạn Hiền, người cùng học một khóa với tôi và Đức, cũng không xa lạ với tôi. Tôi đã từng gặp bạn ấy vài lần tại các buổi chiêu đãi do Sứ quán Cộng hòa Séc tổ chức. Tiếp đến là anh Ái, người tôi cũng đã gặp mấy lần tại Đại sứ quán Cộng hòa Séc. Hồi đó tôi được ông đại sứ và vợ ông ta mời đến thảo luận về những cuốn sách văn học Séc mà tôi đã dịch và bàn về kế hoạch dịch một cuốn sách khác. Tiếc là dự án này sau đó không thực hiện được. Hai người nữa tôi cũng nhận ra ngay là chị Hiền, vợ anh Đạt, và chị Thắng, người học cùng khóa với chị Hiền. Riêng hai anh Kỳ và Sử thì tôi không nhớ mặt và phải hỏi tên mới nhớ ra được.

Tại buổi gặp mặt, chúng tôi hỏi nhau về cuộc sống của từng người, kể cả cuộc sống của những người không có mặt tại bữa tiệc. Hóa ra tất cả đều đã già và hầu hết tóc đã bạc. Ai mau mắn đã có cháu nội, cháu ngoại. Đa số đều thành đạt và hiện đã nghỉ hưu, có gia đình êm ấm, hạnh phúc. Tuy vậy, cũng có vài người còn lận đận. Lại có người biệt tăm tích, không biết đang sống ở phương trời nào!

Giống như mọi cuộc tụ tập khác, câu chuyện bên bàn ăn lại xoay sang tình hình chính trị, xã hội của đất nước. Hóa ra ai cũng trăn trở với tình trạng bất an của xã hội hiện nay, khi mà nạn tham nhũng, ô nhiễm môi trường, nhiễm độc thực phẩm ngày càng trầm trọng. Tình trạng tha hóa của “một bộ phận không nhỏ” quan chức của bộ máy công quyền cũng làm nhiều người ngán ngẩm. Một số người tâm sự rằng họ đã khuyên con cái mình không nên vào làm tại cơ quan nhà nước và chỉ nên làm tại các công ty tư nhân hoặc công ty nước ngoài để có thể sống một cuộc sống trung thực, khỏi phải chứng kiến hoặc dính vào  những điều trái tai, gai mắt!

Sau đó câu chuyện chuyển sang đề tài cái chết của anh Hồ Đức Việt, người vừa mới mất cách đây không lâu . Trong số những người học ở Tiệp Khắc về, anh Việt là người thành đạt nhất về đường quan chức. Hồi đó, khi chúng tôi vào học năm thứ nhất ở khoa Toán- Lý  thì anh đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành toán và vừa bắt đầu làm luận án phó tiến sĩ. Trong ký ức của tôi, anh Việt là người trầm tính, ít nói, có phần bí hiểm, và đặc biệt, anh là một cầu thủ bóng đá khá lành nghề. Tôi nhớ có lần đá bóng cùng với anh. Hôm ấy anh đá ở vị trí tiền đạo thuộc đội bóng đối phương. Trớ trêu thế nào tôi được phân công đá ở vị trí hậu vệ và có nhiệm vụ kèm cặp anh. Vì không phải là cầu thủ giỏi giang cho lắm nên tôi thường bị anh vượt qua. Cuối cùng, thấy tôi không phải là cầu thủ xứng tầm với anh, mọi người quyết định chuyển tôi khỏi vị trí hậu vệ và cho phép tôi tự do muốn đá ở vị trí nào tùy thích. Sau này, khi đã về nước, tôi có dịp gặp anh nhiều lần. Hồi anh là Bí thư thứ nhất Trung ương đoàn, vì cơ quan anh ở 62 Bà Triệu gần ngay cơ quan tôi, 66 Bà Triệu, nên tôi hay chạm trán anh trên vỉa hè phố Bà Triệu, đoạn đối diện với Sứ quán Pháp. Lần gặp tôi nào anh cũng dừng lại ân cần hỏi han và nói: “ Lúc nào rỗi ghé qua chỗ mình nhé”.  Thế nhưng tôi chưa bao giờ tới văn phòng anh, một phần vì hồi đó ít khi tôi rỗi rãi, một phần vì tính tôi không ưa gần gũi các vị quan chức đảng và nhà nước, chức càng to tôi càng tìm cách tránh mặt. Tôi thấy những người này thường không có quan điểm tương đồng với mình về nhiều mặt. Mà khi đã khác quan điểm thì trò chuyện với nhau chỉ tổ gây bất hòa mà thôi. Lúc đó tôi nghĩ, anh Việt tuy là người quen biết cũ nhưng vẫn là một vị quan lớn nên việc gặp gỡ, trò chuyện với anh chắc chẳng thú vị gì đối với cả tôi và anh. Sau này, khi nghe tin anh mất, tôi lại thấy tiếc vì đã không đáp lại lời mời của anh vì , biết đâu, nếu có dịp trò chuyện với anh, tôi sẽ phần nào biết được con người thực của anh và có thể anh sẽ không còn là một nhân vật bí hiểm đối với tôi nữa. Giờ đây, gặp gỡ những người đã từng sống cùng ký túc xá với anh trong nhiều năm tôi mới biết, hóa ra không chỉ tôi mà nhiều người cũng không biết gì về những năm tháng cuối đời của anh. Họ hỏi nhau về những lời đồn lan truyền trên mạng và nhiều người tỏ ra không tin có những chuyện đó.

Trong số những người có mặt hôm ấy chỉ có Đức, Lộc, Hiền, Tấn và tôi là cùng khóa. Chúng tôi sang Tiệp Khắc mùa hè năm 1968 và đã được chứng kiến một loạt các cuộc biến động ở nước này. Đến thành phố Ostrava hôm trước thì hôm sau chúng tôi được thông báo, đêm hôm đó, 21-8-1968, quân đội khối Varsava đã tiến quân vào Tiệp Khắc. Sáng hôm ấy, khi đến nhà ăn sinh viên ăn điểm tâm, chúng tôi thấy không khí rất khác thường. Các nhân viên nhà ăn đều lặng lẽ làm việc chứ không cười nói như mọi khi. Một số phụ nữ mắt đỏ hoe. Có lẽ họ khóc vì tức giận và lo sợ. Tức giận vì đột nhiên quân đội nước ngoài ngang nhiên tiến vào nước mình. Còn lo sợ là bởi nguy cơ chiến tranh có thể xảy ra. Sau đó, khi ra phố, chúng tôi thấy xe tăng đậu la liệt tại các công viên và quảng trường. Một năm sau, vào mùa hè năm 1969, tại Praha, đúng dịp kỷ niệm ngày quân đội khối Varsava tiến vào Tiệp Khắc, chúng tôi lại được chứng kiến cuộc biểu tình khổng lồ với sự tham gia của hàng triệu người ở quảng trường Vaclav. Nhờ sự kiện này mà chúng tôi biết lựu đạn cay có mùi vị như thế nào. Hôm ấy, khi nghe tin tại quảng trường chính của thủ đô Praha có biểu tình lớn, chúng tôi rủ liền nhau đi xem. Tại vị trí cuối quảng trường, chúng tôi bị mắc kẹt giữa đám đông người biểu tình. Không may cho chúng tôi là đúng lúc đó, lực lượng cảnh sát bắt đầu ra tay. Họ bắn những quả lựu đạn tỏa khói mù mịt đồng thời dùng dùi cui quật lấy quật để vào người biểu tình. Chúng tôi cùng những người biểu tình khác bỏ chạy tán loạn vào các ngõ phố lân cận để tránh những cú đánh như trời giáng của các nhân viên công quyền. Thật may, đa số chúng tôi chỉ phải nếm mùi lựu đạn cay chứ không bị dùi cui đập vào người. Tuy nhiên, cũng có một người gặp rủi ro, đó là anh T, một sinh viên học toán. Khi giơ tay che đầu để đỡ cú đánh trời giáng của một viên cảnh sát, mấy ngón tay anh bị chiếc dùi cui đập trúng khiến nó sưng vù, mãi mấy ngày sau mới khỏi.  Để thoát khỏi bầu không khí nồng nặc mùi tỏi, hạt tiêu và mù tạt, chúng tôi tháo chạy sang các dãy phố lân cận. Khó có thể chịu được mùi lựu đạn cay quá năm phút. Thứ hơi cay khủng khiếp đó khiến tôi bị rát họng, chảy nước mắt, nước mũi  và ho sặc sụa. Vài phút sau đó, quảng trường Vaclav vắng hẳn. Cuộc biểu tình đã bị dập tắt. Sự kiện đó đã khiến tôi hiểu thêm về đất nước và con người Tiệp Khắc. Séc là một nước nhỏ, nằm giữa những nước lớn, hay bị các nước láng giềng mạnh hơn ức hiếp, nhưng người Séc luôn có tinh thần bất khuất, muốn tự quyết định vận mệnh của mình chứ không muốn bị áp đặt, lệ thuộc.

Tôi muốn nói thêm về ký túc xá Větrník ở khu Petřiny, Praha 6,  nơi chúng tôi đã sống hầu hết thời gian khi học ở Praha. Đó là một nơi cư trú lý tưởng của sinh viên. Tuy chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 6 km nhưng nó có đầy đủ tính chất của một khu ngoại thành, với những bãi cỏ, rừng cây, sân vận động, vườn cây ăn quả. Từ đây người ta có thể đi vào trung tâm Praha rất tiện lợi bằng các chuyến tàu điện số 1 và số 20. Quang cảnh ở Větrník rất đẹp, không khí đặc biệt trong lành. Mùa xuân, các vườn táo, lê và anh đào gần ký túc xá nở hoa trắng xóa. Còn vào mùa hạ, cỏ cây ở khu vực này trở nên xanh tươi. Dọc hai bên lối đi qua các khu vườn, những chùm quả táo, lê và anh đào xõa xuống như chào mời. Trên các bãi cỏ, chi chit hoa cải và hoa cúc dại. Bọn sinh viên chúng tôi thường chơi trò đá bóng trên các bãi cỏ gần ký túc xá hoặc đi dạo trong các khu vườn rợp bóng cây. Giờ đây, tôi như vẫn còn như thấy được mùi hương dịu ngọt của cỏ tươi phơi nắng khi người ta dùng máy xén cỏ cắt ngắn các vạt cỏ bên đường cho chúng đỡ rậm rạp và vun thành từng đống nhỏ bên lối đi. Mùi hương ấy, bầu không khí ấy mới yên bình làm sao! Tuy sinh viên nam và sinh viên nữ ở hai khu nhà khác nhau, nhưng các khu này chỉ cách nhau khoảng 400 mét nên các cặp yêu nhau có thể dễ dàng gặp gỡ. Vào ban đêm, khi đã quá giờ thăm viếng, các cặp tình nhân ở hai ký túc xá nam và nữ còn có thể tâm sự hàng giờ bằng bằng mạng điện thoại nội bộ miễn phí. Giờ đây, với người Việt Nam, Větrník dường như không còn bình yên như trước. Anh V, một người quen của tôi, cũng đã từng sống ở ký túc xá Větrník trong nhiều năm, khi còn làm cho một công ty Séc có về thăm lại nơi này. Anh cho biết, một lần, khi tới một tiệm giải khát, anh gặp một nhóm thanh niên đang nói xấu người Việt (có lẽ do họ nhìn thấy anh và nghĩ anh không biết tiếng Séc), anh đã phản ứng và bọn này đã nổi điên, hành hung anh hết sức dã man. Như để chứng minh chuyện này là có thật, anh V chìa cho tôi xem cái tai bị sứt, dấu vết của vụ bạo lực phân biệt chủng tộc năm nào.Thời gian không chỉ làm biến đổi cảnh quan mà còn làm biến đổi cả tâm trạng con người. Khu Větrník giờ đây đã thay đổi. Nhiều tòa nhà mới đã mọc lên, một sân vận động mới đã được xây dựng cạnh khu ký túc xá nam cũ (giờ được gọi là ký túc xá Hvězda), đường phố cũng khang trang hơn, nhưng người Việt Nam thì đã không còn được tôn trọng và đối xử tử tế, ân cần như trước.

Nhiều lúc tôi mong ước được về thăm lại những nơi đã từng có những kỷ niệm đẹp, trong đó có ký túc xá Větrník. Nhưng rồi sau đó tôi lại gạt bỏ ngay ý nghĩ này vì lo ngại, biết đâu, khi trở lại những nơi ấy, tôi sẽ không còn thấy nó đẹp như trong ký ức của mình, và những kỷ niệm đầy thi vị của thời thanh xuân của tôi có thể sẽ vĩnh viễn biến mất.


Lương Duyên Tâm

 
- Ảnh: Cuộc gặp mặt của những người học ngành vật lý Karlova Univerzita tại nhà Đức – Lộc, Hà Nội. Ảnh mượn từ facebook của anh Cường https://www.facebook.com/cuong.nguyenhung.16.

 - Sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam lao động tại nông thôn thời Tiệp Khắc cũ. Ảnh chụp với trẻ em và sinh viên Séc. Chú thích trên bức ảnh không đúng về thời gian. Ảnh chụp vào đầu thập niên 1970. Cảm ơn anh Cường đã cung cấp những bức ảnh này.





 
 

Thursday, June 20, 2013

Truyện ngắn Cảm ơn của nhà văn Séc Eduard Petiska, Lương Duyên Tâm dịch


Nhân ngày Nhà báo Việt Nam 21-6, mời các bạn đọc truyện ngắn Cảm ơn của nhà văn Séc Eduard Petiska viết về tâm trạng của một chàng nhà báo độc thân đã luống tuổi khi trên đường đi thực tế để hoàn thành một bài phóng sự tình cờ gặp lại người phụ nữ mà anh ta từng ngưỡng mộ hồi còn học trung học.

 

 
Cảm ơn    

 

 
Truyện ngắn của Eduard Petiska

 

 
Vẫn như mọi ngày, hôm nay anh lại để rớt cà phê ra đĩa. Khi nhấc cái tách lên thế nào cà phê cũng sẽ nhỏ vào quần hoặc rơi xuống thảm, có khi vương vào cả hai thứ. Ngày hôm nay thế là lại bắt đầu như những ngày khác. Lúc Perner đã ngồi xuống uống cà phê, anh mới nhận ra là mình đã quên bỏ đường. Anh đang bị đau chân. Ngày hôm qua anh đã ngồi suốt ngày trên yên xe đạp nên giờ đây anh cảm thấy đầu gối mỏi nhừ. Anh lưỡng lự không biết có nên uống cà phê không đường không. Nhưng rồi anh đi đến quyết định là phải uống với đường. Cuộc đời chẳng lấy gì ngọt ngào cho lắm, tội gì mình làm cho nó đắng thêm.

 
Căn phòng ấm cúng. Lò sưởi tỏa hơi nóng. Bên ngoài cửa sổ bầu trời trong xanh ngào ngạt mùi hương mùa xuân. Ngày hôm nay chắc sẽ đẹp trời như ngày hôm qua.

 
Perner ăn sáng bên cái bàn nhỏ cạnh giường. Anh uống cà phê đen, thứ đồ uống tẻ ngắt của đàn ông do anh tự pha lấy.Anh nhìn cái bánh ngọt bằng đôi mắt chán ngán. Hôm qua cái bà bán bánh to béo ấy đã bán nó cho anh. Chắc bà ta phải khó nhọc lắm mới có thể chọn được cho mình chiếc bánh có lớp bơ mỏng nhất. Anh cắn lớp vỏ phủ bơ vàng giòn và chừa lại cái ruột bánh. Sau đó anh châm điếu thuốc lá và uống hết tách cà phê. Lần này thì anh không để giọt cà phê nào vương vào quần mà chỉ để nhỏ xuống thảm. Trong lúc hút thuốc và uống cà phê anh nghĩ ngợi lan man. Cái bà bán bánh ấy, bà ta không ưa mình. Nhưng nói cho cùng, ai là người thích mình cơ chứ!

 
Anh sống cô đơn một thân một mình và, như tất cả những người sống đơn lẻ khác, anh thường cảm thấy thương thân. Bây giờ, khi đã ngoại tứ tuần, anh càng cảm thấy thương mình hơn. Càng nghĩ nhiều về mình và càng thương mình, người ta càng ít để ý đến xung quanh. Những bài báo anh viết hình như chưa ổn lắm. Anh cảm thấy như thế. Nhưng anh là người viết báo đã có kinh nghiệm. Giờ đây những bài báo ấy đâu còn là những bài đầu tiên, khi anh phụ trách mục Tin tức từ quê nhà  và mục Hãy chú ý trên tờ báo huyện. Giờ đây anh thường viết phóng sự. Tuy vậy công việc không được trôi chảy lắm. Anh thấy ngán ngẩm cho những bài báo có vẻ đơn điệu, không bản sắc của mình.

 
Anh lấy chiếc cặp và mở tập ghi chép của mình ra. Tên bài phóng sự anh đã có sẵn rồi: Trại gia cầm lại bắt đầu sôi động. Thực ra anh chẳng việc gì phải vội vã đi đến cái trại gia cầm ấy. Anh có thể hình dung ra tất cả. Năm nào anh cũng viết phóng sự về nó. Cứ đến mùa xuân là lại có một bài, giống y như lễ phục sinh vậy. Bài báo năm ngoái anh đã dùng cái tít: Hãy tặng những quả trứng nhiều màu cho người thân yêu của bạn. Nếu cần Perner có thể viết bất cứ cái gì bằng chiếc máy chữ của mình. Những chuyến đi bằng xe đạp chỉ để thêm thắt vào mà thôi. Ngay từ lúc chưa đi anh đã biết cái anh sẽ nhìn thấy và cũng ngay từ đầu anh đã linh cảm thấy điều mà anh sẽ được nghe. Riêng chỉ có số gia cầm và số trứng là tăng lên.

 
Ý nghĩ về bài phóng sự lôi cuốn anh. Nếu cần anh có thể dựng lên cả một trang báo bằng toàn những đầu đề. Thỉnh thoảng, khi ngồi trên xe đạp ngắm nhìn bốn phương trời đất, anh có cảm tưởng như thế giới được tạo nên bởi những dòng tít, ví dụ như: Ánh nắng mùa xuân quyến rũ, hoặc Con đường cũ đang thanh xuân lại.

 
Trên con đường quen thuộc mà anh đi ra ngoại ô hầu như hàng ngày, khi mùa đông qua lẽ ra nó phải thanh xuân lại, nhưng thực tế nó không trẻ ra tí nào, và bài báo của anh thì đã xưa cũ mất rồi. Anh đã thuộc lòng từng cái ổ gà, từng cây mận bên đường khi nó còn trụi lá và cả vẻ vắng ngắt của con đường trong những chiều mưa buồn. Chiếc xe đạp của anh đã hằn vết lên con đường với vẻ ngoan cố của người chỉ thích đạp xe chứ không chịu ngồi ô tô buýt.

 
Anh ra đi muộn hơn mọi ngày. Bài báo trong kẹp giấy anh viết đã gần xong. Chỉ cần thêm vào vài đoạn và vài câu đối thoại trực tiếp nữa. Ngay cả mấy câu đối thoại ấy anh cũng có thể sáng tác ra được, đại loại như anh sẽ hỏi gì và người ta sẽ trả lời ra sao. Anh đi trên con đường quen thuộc như đi vào cõi trống trải vô biên, nơi ấy không còn ý nghĩ, không còn cảm giác, chỉ còn hiện ra những dòng tít của các bài báo mà anh đã viết trong quá khứ và sẽ viết trong tương lai.

 
Anh nhìn sang hàng mận bên kia đường: Mùa mận chín đang chờ thu hoạch. Anh liếc sang ống khói nhà máy đường: Vàng trắng, xin chào mừng. Anh theo con đường dốc đổ xuống bờ sông: Quê hương của bầy cá đang bị đe dọa.

 
Con sông và dải bờ xanh mờ hiện ra. Những con bướm trắng nôn nóng bay lên từ những đám cỏ, sau đó lại bay xuống. Tất cả những loài có cánh: chim chóc, bướm, ruồi đều tha hồ vẫy vùng thỏa thích. Dường như đối với chúng chẳng có biên giới nào cả. Chúng cứ việc mặc sức bay lượn trong không trung. Ít ra người ta cũng cảm thấy như thế. Tuy nhiên sự tự do vô biên ấy cũng bắt đầu làm Perner phát chán.

 

Ông già Tikava đang ngồi trên bờ sông. Đúng là Một bức tượng bên dòng nước. Từ ngày Perner viết bài báo về ông đăng trên tờ báo huyện, ông Tikava vẫy anh ngay từ đằng xa. Tất cả những việc mà ông Tikava làm trong đời đều liên quan đến dòng sông. Ông ta đã từng là thủy thủ, sau đó làm lái đò và cuối cùng là ngư phủ.

 
-          Xin chào, xin chào! – Ông già Tikava gọi anh và đưa tay qua đầu vẫy vẫy.
-          Chào bác, chào bác, - Perner chào lại, nhưng chân anh vẫn không ngừng đạp. Nếu mình không viết cái bài báo để nó mang lại vinh quang cho ông ta thì không biết ông ta có vẫy chào mình không. Rõ ràng là ông ta cũng chẳng ưa gì mình. Nhưng rốt cuôc ai là người ưa mình cơ chứ?

 
Ý nghĩ ấy làm anh quan tâm. Con người ta thích một người nào đó vì lẽ gì nhỉ? Tính cao thượng chăng?  Không phải. Hay là tiền tài hoặc sắc đẹp? Nhưng đấy không phải là tình yêu. Cái ấy chỉ có ý nghĩa đối với những kẻ tự  huyễn hoặc bản thân rằng tiền tài và sắc đẹp cũng thuộc phạm trù tình yêu. Con người thích người khác chẳng qua là vì bản thân mình mà thôi. Nhưng đó là cái phần nào của bản thân, phần xấu hay phần tốt? Đúng là khó có thể giải thích được. Có thể tình yêu là cái đến với anh rồi lại từ bỏ anh mà ra đi, giống như một cuộc đột kích từ phía ngoài vào…Anh cứ băn khoăn mãi về ý nghĩ đó. Anh không phải là người sành sỏi trong lĩnh vực tình cảm và tâm lý. Với phụ nữ anh thường cư xử nghiêm nghị và lãnh đạm mà nguyên nhân của cách cư xử đó chính là tính nhút nhát và đa nghi của anh chàng độc thân đã luống tuổi.

 
Những cây dương xanh tốt báo hiệu cho anh biết là đã đến khu trại nghỉ mát cuối tuần. Những căn nhà nghỉ vắng ngắt đang thiu thiu ngủ trong buổi sáng ngày thường. Những dãy cửa sổ đóng kín. Những con chim sẻ do không bị ai quấy rầy bay đến đậu trên máng nước chăm chú nhìn người đàn ông đơn độc đang đạp xe.

 
Perner hãm phanh. Anh lượn vòng để tránh một cái ổ gà. Nhưng khi vừa hãm phanh thì xe bị tuột xích. Thế là anh lại phải xuống xe để tra xích vào đúng vị trí của nó. Cái trò này diễn ra luôn luôn và cứ khi nào xe tuột xích là anh lại tự nhủ với bản thân rằng đã đến lúc phải mua cái xích mới, rằng anh sẽ phải sửa cái xe cho tử tế hơn, nhưng chẳng bao giờ anh chịu  thực hiện điều đó. Anh hay tự thanh minh rằng mình không có thời gian, nhưng trên thực tế cứ khi nào có thời gian thì anh lại cố trốn tránh ý định sửa xe đạp. Toàn bộ cái xe, từ xích, líp cho tới những cái đinh ốc, mọi thứ đã làm cho Perner chán ngấy. Tốt hơn hết là thỉnh thoảng chịu khó xuống đặt lại xích, sau đó lau sạch mấy ngón tay đầy dầu mỡ. Tuy nhiên, lần này anh gặp may. Sau k hi đặt lại xích, anh có thể bước xuống bờ sông rửa tay cẩn thận.

 
Khi quay trở lại chỗ để chiếc xe đạp, bất chợt anh nhìn thấy trong khuôn cửa sổ mở rộng của căn nhà nghỉ có một người đàn bà. Chị ta đang giũ giũ tấm giẻ lau nhà, vừa làm vừa nheo mắt và nhăn mũi lại. Khi cúi xuống, vùng mặt của chị ta tối lại, lộ rõ đôi gò má cao. Sự hiện diện của người phụ nữ trong khu nhà nghỉ vào giờ này và ngày hôm nay làm Perner ngạc nhiên. Anh đứng yên bên chiếc xe một lát.

 
Người đàn bà ngừng giũ tấm giẻ lau nhà. Chị ta mở to đôi mắt màu nâu nhìn anh. Ngay từ xa anh đã có thể nhận ra đó là một đôi mắt màu nâu và anh linh cảm thấy rằng anh biết về chị ta nhiều hơn thế. Thoạt nhìn anh đã biết chắc chắn như vậy.

 
-          Lada! – Người đàn bà thốt lên.

 
Hình như mình đã trải qua cái cảnh này một lần rồi thì phải, - anh thoáng nghĩ. Và mặc dù anh chẳng để ý đến cái năm tháng xa xưa ấy, anh vẫn bước qua cánh cổng khép hờ để vào mảnh vườn nhỏ. Người đàn bà rời cửa sổ. Hai người gặp nhau ở cửa nhà. Chị đến chậm hơn anh một chút vì khi đi qua tấm gương , chị còn ghé lại ngắm khuôn mặt mình một thoáng.

 
-          Sao lại có chuyện kỳ lạ thế này? – Anh nắm bàn tay ấm áp của chị. – Suýt nữa thì tôi không nhận ra. Chỉ tại mái tóc này. – Và anh nghiêng đầu về phía mái tóc cắt ngắn của chị.
-          - Chỉ tại mái tóc thôi ư? – Chị cười.
-          Vâng. Chỉ tại mỗi mái tóc thôi. – Và anh cười lấy lòng.
-          Còn anh thì tôi nhận ra ngay. – Thực ra chị đã nói dối. Phải mất một lúc chị mới nhận ra trên khuôn mặt người đàn ông dáng dấp của chàng thanh niên trẻ trung ngày xưa, cái ngày đã chìm trong màn sương mờ của quá khứ. (Ôi cái thời ấy mới đáng yêu làm sao). Dáng đứng của người đàn ông bên chiếc xe đạp gợi chị nhớ về một kỷ niệm, ở đấy có có một người con trai đã lâu lắm rồi thường đứng dưới cửa sổ nhà chị. Đúng, khi ấy anh còn là một chàng trai mới lớn, còn chị , chị cũng chỉ mới là một thiếu nữ. Những năm tháng đó chị sống cùng với bố mẹ mình trong căn hộ ở tầng hai một tòa nhà cao tầng trong thành phố. Giờ đây, khi hai người đã ngồi bên nhau trong nhà, chị nhận ra  từ khuôn mặt beo béo của anh dáng vẻ của chàng trai gầy gò năm xưa.

 
Perner không để ý đến cái nhìn mang ý nghĩa khám phá ấy. Bản thân anh, anh cũng để ý nét mặt người đàn bà để đoán biết số phận chị. Những kỷ niệm của thời xa xưa đã bị ngày tháng cuốn đi hầu như toàn bộ mọi chi tiết, giống như những rặng cây về mùa thu bị rụng hết lá, chỉ còn trơ khấc những cành.

 
-          Chị có cháu rồi phải không?- Anh hỏi. Năm tháng xa xưa như quay trở về với họ. Bao nhiêu năm đã trôi qua nhỉ? Hai mươi năm hay là hơn? Thật là cả một núi thời gian.
-          Mọi chuyện đều tốt lành cả, - chị nói, - chỉ có điều là tôi đã ly dị chồng…

 
Anh lắng nghe chị kể, mắt ngước nhìn tán cây thưa thớt lá ngoài sân. Câu chuyện cũng ngắn ngủi thôi nhưng anh không muốn chị cứ kể lể mãi về những chuyện không liên quan gì đến mình.

 
Anh điểm lại trí nhớ. Trong bức tranh quá khứ anh bỗng thấy hiện lên không sót một chi tiết quan trọng nào. Trong bức tranh ấy có một dòng sông, một vầng trăng ướt át phản xạ trên mặt nước và bóng nước gợn sóng lăn tăn khi chiếc ca nô của họ được thả xuống sông.

 
Họ đã thuê chiếc ca nô ấy và cùng nhau bơi đến một cái đảo nằm giữa dòng sông để  tổ chức buổi dạ hội chia tay sau ngày thi tốt nghiệp trung học. Họ muốn liên hoan theo cái kiểu của mình, không muốn bị ai ép buộc hoặc áp đặt. Họ đang lâng lâng bởi cảm giác rằng họ đã trở thành người lớn. Dưới đáy ca nô lăn lóc mấy cái vỏ chai đựng rượu rỗng không.

 
Các cậu nam sinh và các cô nữ sinh cho đến lúc ấy vẫn còn rất gắn bó với nhau. Họ đã học với nhau nhiều năm và giờ đây tất cả đều biết rằng họ sẽ không còn nhiều dịp gặp nhau nữa.

 
Anh đã đưa tay dắt chị bước xuống chiếc xuồng máy nhỏ và anh có cảm giác như thể anh đang dắt tương lai của mình. Thực ra anh cũng tin như thế. Hồi ấy anh khâm phục chị ở mọi phương diện: cái mũi tẹt, đôi gò má cao, cặp mắt to màu nâu. Tình yêu không cần đến vẻ hài hòa., tình yêu ngưỡng mộ chính bản thân nó.

 
Mãi cho đến khi trong anh không còn tình cảm bồng bột say mê của tuổi trẻ, cảm giác ngây ngất của cuộc chia tay đêm ấy vẫn còn ám ảnh anh. Giờ đây anh ngắm nhìn khuôn mặt của người đàn bà ngồi trước mặt mình, cố tìm kiếm không phải dáng dấp người con gái năm xưa mà là cái cảm giác ngây ngất thuở nào. Hàng ngày anh thường gặp khá nhiều gương mặt phụ nữ. Ở người này, nét mặt họ phản ánh tâm trạng không bình yên, ở người kia là sự chậm chạp lười biếng biểu hiện bằng những cái chớp mắt uể oải, ở một số người đàn bà khác, nét mặt họ lại làm anh khó chịu bởi vẻ tự tin quá đáng.

 
Người đàn bà ngồi đối diện với anh vẫn nói. Chị kể về những công vệc của mình và về lũ cháu. Perner phân vân không biết nên xếp khuôn mặt chị vào loại nôn nóng, thỏa mãn hay tự tin bởi vì trong khoảnh khắc anh bỗng thấy hiển hiện trước mắt mình kỷ niệm của ngày xa xưa và anh như nghe thấy từ chiếc xuồng máy vang lên cùng những tiếng hát, tiếng cười nói, tiếng gọi nhau…

 
Khi lửa trại đốt lên, khói tỏa mùi thơm của củi ẩm. Từ chiều họ đã chuẩn bị sẵn một đống củi nhưng do sương xuống nhiều nên chúng thấm hơi ẩm và phải một lúc lâu sau ngọn lửa mới bùng lên, những tia lửa màu hồng và màu vàng. Trong ánh lửa anh thấy thấp thoáng những khuôn mặt bạn bè mình, bạn trai và bạn gái. Những khuôn mặt xếp thành vòng tròn xung quanh đống lửa đang lắc lư theo tiếng hát. Hồi ấy họ đã hát bài gì nhỉ? Và đó là những khuôn mặt ai? Itka ngồi bên cạnh Perner. Anh không dám nhìn sang phía chị mà đăm đăm nhìn ngọn lửa, đồng thời cảm thấy trong tim mình có một bài thơ đang hình thành, giống như một nỗi nhớ thương, xao xuyến đang từ từ dâng lên. Đến tận giờ, khi đã ngồi trong căn nhà nghỉ bên sông này, anh vẫn còn thấy rõ ràng cảm giác ấy. Lúc đó anh thấy mình đã lớn, đã trưởng thành, khỏe mạnh, cường tráng và đang vùn vụt bốc lên như làn khói cuồn cuộn dâng lên từ đống lửa trại. Anh bỗng cảm thấy biết ơn.

 
-          Cảm ơn chị, - đột nhiên anh nói, cắt ngang lời người phụ nữ đang ngồi đối diện với mình.
-          Anh cảm ơn tôi về cái gì cơ chứ? – Chị hỏi anh. Sau đó chị tiếp tục câu chuyện bỏ dở.  – Tôi nói: Vitek, cháu không được phép làm như vậy. Cháu mà làm thế thì bà sẽ khóc đấy…- Rồi chị bỗng sực nhớ: - Anh uống cà phê nhé. Tôi đi pha cà phê đây. Anh thấy thế nào? – Rồi chị đứng dậy, đi ra phía sau tấm rèm, lấy một cái bình và rót nước vào đó.

 
Sau khi đã chất đầy củi lên đống lửa, đám thanh niên bắt đầu khiêu vũ. Milan mang theo một chiếc máy ghi âm, cái máy cổ lỗ sĩ có ghi năm sản xuất 1947. Họ nhảy trong ánh sáng bập bùng bên hơi ấm của ngọn lửa. Sáng và tối, nóng và lạnh xen kẽ nhau. Perner nhảy với Itka, và anh có cảm giác như đang khiêu vũ với cái bóng thơm ngát của chị. Mỗi khi ngọn lửa chìm đi, trong bóng tối, chị lại áp sát người vào anh, đến nỗi anh cảm thấy hơi ấm của thân thể chị thấm vào tận trái tim mình.

 
Rồi anh ngồi trên đám cỏ một mình tận hưởng cái cảm giác vừa rồi một lần nữa, sâu sắc hơn, mãnh liệt hơn, đồng thời anh mơ tưởng về tương lai. Khi ấy đêm đã khuya, ngọn lửa tàn dần và vầng trăng ngày càng sáng hơn. Bỗng nhiên anh nhận ra rằng Itka, trong lúc nhảy với Milan, mỗi khi chìm trong khoảng tối, chị cũng áp sát người vào cậu ta. Anh đứng lên, rời bãi cỏ, đi về phía bờ sông, sát mặt nước và cảm thấy có cái gì như giới hạn tận cùng. Trên dòng sông thẫm đen, sóng gợn lăn tăn, chỗ tối chỗ sáng đan cài vào nhau, như không có biên giới, không có khoảng chuyển tiếp. Giống như niềm hạnh phúc và nỗi đau đớn của con người.
-          Tôi được phép hút thuốc chứ?
-          Tất nhiên rồi,- chị trả lời. Và anh nghe thấy phía sau tấm rèm có tiếng lách cách.

 
Có một bóng người đi từ phía trên xuống bờ sông và tiến đến chỗ anh. Ai thế nhỉ? Mãi tới khi người ấy đến gần anh mới nhận ra . Đó là Ivanka, cô bạn gái học cùng lớp với anh, cô gái mà anh chỉ để ý khi mượn vở chép bài.
-          Anh làm gì ở đây thế?- Cô hỏi và ngồi xuống bên anh, bên đống đá. Đó là một cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn. Cô nói, như thể thanh minh: - Trên ấy họ vẫn đang khiêu vũ.

 
Đúng ra cô chẳng cần nói điều đó vì trong tiếng dế kêu dai dẳng thỉnh thoảng lại vang lên tiếng kèn xắc xô phôn. Perner đang khao khát một thứ tình thương mến nào đó, anh muốn được hưởng tình cảm dịu dàng.
-          Ivanka…

 
Ivanka đã hiểu được nỗi thất vọng của anh. Phụ nữ họ luôn luôn thấu hiểu những nỗi bất hạnh của đàn ông, nhất là khi nỗi bất hạnh đó bắt nguồn từ một người phụ nữ khác. Cô đưa tay ra và anh nắm lấy tay cô bằng một động tác như đóng kịch, đến nỗi ngày hôm sau, khi nhớ lại động tác đó anh vẫn còn cảm thấy ngượng, thế nhưng lúc đó, giữa đêm khuya, anh lại thấy nó mang nhiều ý nghĩa. Anh nắm bàn tay Ivanka trong tay mình, những ngón tay cô nhỏ bé, xinh xẻo, yếu ớt và có gì đó như hiến dâng. Ivanka không giống Itka. Cả bàn tay cô cũng không giống bàn tay của Itka.

 
Đã lâu rồi anh không nhớ lại buổi tối hôm đó nữa. Thế mà giờ đây kỷ niệm cũ chợt sống lại, rõ ràng và sinh động như thể anh vẫn thường nhớ đến hàng ngày.

 
Mãi đến gần sáng cả lớp mới chia tay nhau. Sau đó họ không còn dịp nào gặp nhau nữa. Anh không nhớ được nét mặt của Ivanka. Mỗi khi muốn hình dung vẻ mặt cô, anh phải tìm cô trong bức ảnh chụp cả lớp hồi thi tốt nghiệp trung học. Khuôn mặt cô lẫn trong bao nhiêu là khuôn mặt khác. Nhưng khuôn mặt Itka thì anh nhớ. Chỉ riêng Itka thôi.

 
Từ bếp chị quay trở lại chỗ cũ, tay bưng hai tách cà phê. Chị đặt một tách cà phê trước mặt Perner, và anh nhận thấy chị không để vương ra đĩa giọt nào. Có lẽ mình cần đôi bàn tay phụ nữ. Ý nghĩ đó vang lên trong đầu anh, nghe như đầu đề của một bài báo.

 
Chị ngồi vào chỗ của mình rồi nói:
-          Anh cho tôi xin hơi thuốc.
-          Mời chị. – Anh rút từ trong túi ra bao thuốc lá và đưa nó cho chị.
-          Không, - chị cười, - tôi chỉ hút một hơi thôi.

 
Anh đưa cho chị điếu thuốc hút dở. Chị hút một hơi nhẹ và ngay sau đó đưa trả anh. Rồi chị quay mặt đi để nhả khói.

 
Anh cầm điếu thuốc bằng hai ngón tay và cảm thấy trên môi mình mùi sáp tô môi thơm thơm như mùi quả dâu rừng. Đó là cái hôn của chị mà điếu thuốc lá đã chuyển cho anh.

 
-          Chị có nhớ …- Anh lưỡng lự. – Chị có nhớ buổi dạ hội chia tay sau ngày chúng ta tốt nghiệp trung học không?
-          Buổi dạ hội tổ chức ở khách sạn Zastera ấy à?

 
Hồi ấy họ có những hai buổi dạ hội chia tay. Một buổi chính thức tổ chức cùng các thày, các cô ở khách sạn và một buổi do họ tự tổ chức, đi bằng xuồng máy, bên đống lửa trại, ở trong rừng. Perner đã quên bẵng mất buổi liên hoan tổ chức ở khách sạn.
-          Không, - anh nói, - tôi định nói đến buổi dạ hội đi bằng ca nô, có đốt lửa ấy…
-          Dạ hội chia tay bên đống lửa ấy à?...- Chị xoay xoay bao diêm trên bàn. – À, đó đúng là một sáng kiến tuyệt diệu. Đêm hôm ấy tôi bị tàn lửa làm thủng mất cái áo.
-          Chị cho phép tôi hỏi một câu nhé?
-          Ôi, anh khách khí quá.
-          Tôi chỉ muốn …- Anh lúng túng không biết nên bắt đầu ra làm sao.
-          Anh cứ hỏi tự nhiên.
-          Chị biết không… lần ấy…trong đêm, bên đống lửa ấy mà…khi chúng ta ngồi bên ngọn lửa…
-          Khoan đã, tôi nhớ ra rồi,- chị nói khi thấy anh im bặt, - tôi nhớ là lần ấy chúng ta có khiêu vũ.
-          Vâng…nhưng lần ấy, bên đống lửa…lần ấy…có phải là chị đã từng thích tôi không?

 
Chị nhìn anh. Người đàn ông đang ngồi trước mặt chị trước kia là bạn học của chị. Chắc chắn những câu chuyện xảy ra bên đống lửa hồi ấy phải tuyệt diệu lắm. Chị không còn nhớ được là trong đêm ấy chị đã khiêu vũ cùng ai. Nhưng chắc là buổi khiêu vũ ấy phải vui lắm. Sau đêm ấy chị còn dự bao nhiêu đêm liên hoan khác nữa. Kỷ niệm này chồng lên kỷ niệm kia. Cái ở dưới cùng chị không sao nhớ được.

 
Nhưng chị vẫn nhớ cái dáng anh đứng tỳ tay lên ghi đông xe đạp ở ngay dưới cửa sổ nhà chị. Anh đứng và ngước lên nhìn. Sự ngưỡng mộ ấy thật là cảm động.

 
-          Hồi đó chị có thích tôi không? – Anh khẽ khàng hỏi lại chị một lần nữa.

 
Chị gật đầu.
-          Cảm ơn, -anh nói nhỏ. – Cảm ơn chị.

 
Một lát sau họ chia tay nhau. Suýt nữa thì anh bị lỡ mất bài phóng sự. Trong đầu anh vẫn vang lên hai tiếng “ cảm ơn”.

 
Nhưng mình cảm ơn chị ta về cái gì cơ chứ? Anh đạp chân lên pê đan xe đạp và kinh ngạc về câu nói ban nãy của mình. Thôi, lần sau mình phải tránh xa cái khu nhà nghỉ này, - anh tự trừng phạt mình.

 
Nhưng niềm vui đang nhen lên trong lòng mình thì anh không thể lẩn tránh được. Thế rồi khi đi qua cánh đồng, nơi có những người đàn bà đang làm lụng, anh bỗng cảm thấy có một cái gì mà trước đây anh chưa hề cảm thấy. Một cái gì đó rất cụ thể mà anh không giải thích được đã bắt đầu nảy nở trong anh.

 

 

 
Lương Duyên Tâm dịch

 

 
(Rút từ tập truyện ngắn Thế giới tràn đầy tình yêu của nhà văn Séc Eduard Petiska, Lương Duyên Tâm dịch từ nguyên bản, Nhà xuất bản Văn học, năm 1998)

-